Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hàng nhái… được bày bán công khai. NGỌC DƯƠNG
Từ ngày 15.10, những ai kinh doanh mỹ phẩm giả sẽ bị xử phạt hành chính tối đa lên đến 140 triệu đồng. Thế nhưng theo các chuyên gia, mức phạt này không ăn thua gì so với lợi nhuận thu được từ buôn bán mỹ phẩm giả.
Phạt từ 100 – 140 triệu đồng/lần
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 15.10.2020. Theo đó, việc buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tối đa từ 50 – 70 triệu đồng tùy trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng việc kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y… sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần các mức tiền phạt quy định đối với hành vi này. Nghĩa là nếu buôn mỹ phẩm giả thì người bán có thể bị xử phạt lên đến 100 – 140 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 – 3 tháng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Riêng việc sản xuất hàng giả là mỹ phẩm sẽ có mức phạt cao hơn, tối đa lên 140 – 200 triệu đồng; Nếu buôn bán mỹ phẩm giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì sẽ bị phạt tối đa đến 100 triệu đồng… Như vậy, quy định mới đã tăng mức xử phạt hành chính lên gần gấp 2 lần so với mức phạt trước đây đối với sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả.
Trên thực tế, không chỉ quần áo, túi xách, giày dép là những sản phẩm bị làm nhái, làm giả được buôn bán công khai mà các loại mỹ phẩm không xuất xứ, hàng dỏm cũng được bán tràn lan. Cuối tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã kiểm tra, phát hiện một kho hàng có dấu hiệu nhập lậu quy mô lớn tại Q.8. Trong đó có chứa 4.800 sản phẩm mỹ phẩm các loại, trị giá gần 2,2 tỉ đồng đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có nhãn gốc là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ là tiếng VN. Trước đó, vào ngày 21.8, Cục QLTT Bình Thuận cũng kiểm tra cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do bà Nguyễn Thị L. làm chủ trên địa bàn H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Tại cơ sở đang kinh doanh lô hàng 1.823 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng VN, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Hay giữa tháng 8, Cục QLTT Long An đã tiêu hủy trên 1 tấn nguyên liệu dùng để sản xuất mỹ phẩm của cơ sở kinh doanh mỹ phẩm của bà Cao Thị Ngọc Bích và của Công ty TNHH mỹ phẩm Nhân Thuận Phát. Trong đó, cơ sở của bà Cao Thị Ngọc Bích bị phạt 54 triệu đồng do sản xuất mỹ phẩm không có giấy chứng nhận đăng ký ngành nghề sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Riêng Công ty TNHH Nhân Thuận Phát bị phạt với tổng số tiền là 100 triệu đồng…
Phạt tiền chỉ mới đánh vào kinh tế, đúng ra hành vi làm giả hàng hóa đều phải bị xử lý hình sự
Chuyên gia Vũ Vinh Phú, Phó ban Thường trực chống buôn lậu TP.Hà Nội
|
Lợi nhuận cao hơn mức phạt: khó ngăn chặn
Theo lãnh đạo một đội QLTT tại TP.HCM, tình hình buôn bán mỹ phẩm giả chưa bao giờ “nguội” trên mặt trận chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái. Trong đó, mỹ phẩm là một trong những mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Mỗi lần ra quân rầm rộ hay kiểm tra đột xuất đều gặp hàng giả, từ giả thương hiệu hạng trung đến cao cấp… và đa số từ Trung Quốc đưa vào VN bằng đường tiểu ngạch. QLTT nếu phát hiện, bắt giữ cũng chỉ tạm giữ hàng hóa, phạt vi phạm hành chính là xong. QLTT vẫn ví von, lực lượng kinh doanh mua bán hàng mỹ phẩm giả như vòi bạch tuộc, cắt vòi này thì mọc vòi khác. Ví dụ, hôm nay “đánh” loạt 2 tuyến đường chuyên bán mỹ phẩm tại quận này, tháng sau “đánh” tuyến đường khác, lại gặp đúng người quản lý cửa hàng cũ mà nay đã đóng cửa. Hỏi ra mới biết chủ buôn bán mỹ phẩm giả bị phạt lần trước, nay mở cửa hàng khác hoành tráng hơn, thậm chí thuê người cũ đứng quầy vì đã có kinh nghiệm.
“Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm… làm giả nhiều với số lượng lớn và khó dập tắt được do quy định luật pháp chưa nghiêm. Theo tôi, phạt tiền thôi thì không đủ răn đe. Phạt 100 triệu đồng với cửa hàng này hôm nay, nhưng ngày mai họ mở cửa hàng khác vì lợi nhuận của mặt hàng giả, được bán theo giá hàng thật là rất lớn. Việc khởi tố một vụ buôn bán mỹ phẩm giả là điều không dễ”, vị này nhận xét.
Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Vinh Phú, Phó ban Thường trực chống buôn lậu TP.Hà Nội, nhấn mạnh trong khi việc phạt tiền lên 140 triệu đồng, nhưng lợi nhuận từ kinh doanh mỹ phẩm này mang lại 1,4 tỉ đồng thì làm sao chặn được? Vấn đề quan trọng hơn là cần ngăn chặn triệt để đầu vào, từ nguồn nhập khẩu và từ sản xuất trong nước. Thứ hai là phải tăng biện pháp xử phạt. Phạt tiền chỉ mới đánh vào kinh tế, đúng ra hành vi làm giả hàng hóa đều phải bị xử lý hình sự. Làm giả hóa mỹ phẩm khiến nhiều người biến dạng khuôn mặt sau khi sử dụng thì mức phạt chỉ vài trăm triệu đồng là chưa thỏa đáng. Nếu chỉ phạt tiền thì cũng là hình thức “thả gà ra đuổi” và không có nhiều tác dụng để ngăn chặn vấn nạn này.
Chuyên gia mỹ phẩm, bác sĩ Hoàng Phương Mai (TP.HCM) cho biết, nhiều người bị hủy hoại sắc đẹp, sức khỏe, thậm chí cả tương lai chỉ vì dùng hóa mỹ phẩm giả. Tác hại của nó để lại vô cùng lớn, không thể cân đong đo đếm được. Nhiều trường hợp bệnh nhân tìm đến bệnh viện vì mua phải mỹ phẩm dỏm, bị hủy hoại cả khuôn mặt, rất đáng thương. Đặc biệt, những chất độc hại từ mỹ phẩm thấm vào có thể gây trụy tim, ung thư da, mờ mắt…
|
Theo Mai Phương – Nguyên Nga/TNO
Bình luận (0)