Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tăng nhãn áp – “kẻ sát nhân” gây mù lòa

Tạp Chí Giáo Dục

Một bệnh nhân đang điều trị bệnh tăng nhãn áp. Ảnh: I.T

Bệnh tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân gây mù lòa, chiếm tỉ lệ khá cao, chỉ đứng sau bệnh đục thủy tinh thể. Dân gian hay gọi là bệnh cườm nước.

Bệnh có thể ảnh hưởng bất cứ ai và bất kỳ lứa tuổi nào. Thông thường bệnh nhân không có triệu chứng trừ khi bệnh đã vào giai đoạn nặng, chính vì thế mà bệnh tăng nhãn áp được mệnh danh là “Kẻ sát nhân thầm lặng”.
Thế nào là tăng nhãn áp?
Nếu bệnh đục thủy tinh thể có thể can thiệp bằng phẫu thuật ở bất kỳ giai đoạn nào, lấy lại ánh sáng cho bệnh nhân thì tăng nhãn áp có thể gây mù vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Theo ước tính, sẽ có khoảng 80 triệu người  bị tăng nhãn áp vào năm 2020 chiếm tỷ lệ 2,86% dân số ở độ tuổi ngoài 40 trên toàn thế giới. Trong mắt có một cơ quan gọi là thể mi, nhiệm vụ tiết ra một chất dịch tên gọi “thủy dịch”. Thủy dịch là chất trong suốt không màu có nhiệm vụ nuôi dưỡng các tổ chức bên trong mắt và giữ cho mắt có hình cầu. Tăng nhãn áp là do có sự không bình thường trong sự di chuyển của thủy dịch làm cho áp lực bên trong mắt tăng lên. Bệnh này rất nguy hiểm vì trong giai đoạn sơ khởi (khi mà có thể điều trị được hữu hiệu nhất) thì bệnh lại không có triệu chứng. Khi thị giác đã bị mất, việc điều trị chỉ có thể kiểm soát và làm chậm lại sự thoái hóa của thị giác. Nói một cách đơn giản, khi bệnh nhân chờ cho đến khi mình không còn nhìn thấy rõ nữa mới đi khám mắt, thì không có cách chữa trị nào có thể hồi phục lại được thị giác đã mất. Những triệu chứng nhẹ sau đây là dấu hiệu quan trọng cho biết bệnh nhân cần phải đi kiểm tra mắt với bác sĩ chuyên khoa mắt: phải thay đổi kính đeo mắt thường xuyên; khó khăn trong việc điều chỉnh thị giác trong phòng tối; thị giác mờ, không đọc được chữ nhỏ hay khó khăn khi xỏ kim và bị nhức đầu nhiều. Không nên chờ đến khi có triệu chứng mới đi kiểm tra mắt về bệnh tăng nhãn áp. Mỗi người cần kiểm tra thường xuyên, cứ một năm một lần. Người Việt Nam thường bị tăng nhãn áp góc đóng (còn gọi là tăng nhãn áp với mắt đỏ) với triệu chứng là nhức mắt nhiều kèm theo mắt bị đỏ, nhìn ngọn đèn thấy sắc cầu vồng (vàng – xanh – đỏ), có thể kèm theo đau đầu cùng bên mắt bị đau, nôn ói, tăng huyết áp…
Cần chữa trị đúng cách
Khi bị bệnh, chỉ có bác sĩ nhãn khoa mới có quyền quyết định điều trị phẫu thuật hay chỉ cần dùng thuốc. Bệnh tăng nhãn áp được chẩn đoán càng sớm thì cơ hội thành công trong việc ngăn ngừa mất thị giác càng cao. Việc đánh giá cho bệnh tăng nhãn áp là một cách dễ dàng thực hiện tại phòng khám, bao gồm các phép đo áp lực nhãn cầu, khám thần kinh quang, thử nghiệm một biểu đồ khu vực của tầm nhìn mà mỗi mắt có thể nhìn thấy… Việc điều trị tùy thuộc vào từng loại tăng nhãn áp, nó có thể ở dạng thuốc (eye drops), điều trị bằng laser hoặc phẫu thuật.
Bên cạnh đó, các phương pháp tập luyện làm tăng lượng oxy vào cơ thể như đi bộ, chạy bộ, leo núi, bơi lội… đều tốt cho mắt và làm giảm nhãn áp. Vì vậy, những người mắc bệnh tăng nhãn áp nên tập thể dục đều đặn. Ngoài ra, việc dùngvitamin đúng cách cũng có tác dụng lớn.Khi tiêm vitamin C liều cao vào tĩnh mạch sẽ làm hạ nhãn áp trong khoảng 12 tiếng, làm tăng áp suất của máu, khiến thủy dịch được hút ra khỏi mắt. Nhưng với loại vitamin C dạng uống thì chưa xác định được tác dụng đối với nhãn áp. Tuy nhiên, vitamin C là một chất chống oxy hóa nên có tác dụng gián tiếp có lợi cho mắt; Vitamin A cũng là chất chống oxy hóa. Vitamin E ngoài tính chống oxy hóa mạnh, nó còn có tác dụng phụ trợ cho phẫu thuật tạo lỗ ở cườm nước vì ngăn chặn được sự tăng trưởng của sợi bào, tránh sự bít lỗ làm cườm nước tái phát.
BS. VÕ TẤN CẢNH
(Chuyên khoa Mắt – BV Trưng Vương TP.HCM)

 

Bình luận (0)