Y tế - Văn hóaThư giãn

Tăng Nhật Tuệ “dù đớn đau vẫn giữ hy vọng”

Tạp Chí Giáo Dục

Tăng Nhật Tuệ vừa viết tặng cho chương trình thi Người dẫn chương trình Én Vàng 2016 ca khúc Tiếng nói trái tim được trình bày bởi tốp ca 12 thí sinh dự thi Én Vàng.

Tăng Nhật Tuệ "dù đớn đau vẫn giữ hy vọng"
Tăng Nhật Tuệ – Ảnh: NVCC

12 thí sinh dự thi Én Vàng 2016 là Ngô Đình Phụng Yến, Nguyễn Nữ Thùy Linh (nghệ danh Phong Linh), Phạm Thị Ngọc Trúc, Nguyễn Ngọc Luân, Trần Tuấn Đạt, Nguyễn Hoàng Phúc (nghệ danh Dustin), MC Liêu Hà Trinh, MC Nguyễn Đỗ Quỳnh Chi, MC Phương Hiếu, MC Minh Xù, MC Bảo Anh và MC Quang Bảo cùng thể hiện ca khúc Tiếng nói trái tim

Tăng Nhật Tuệ tham gia các hoạt động nghệ thuật từ nhỏ, tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Anh được đào tạo bài bản để trở thành một nhạc sĩ-ca sĩ.

Tuy nhiên, con đường của anh không mấy thuận lợi bởi nhiều yếu tố, trong đó có cái ngông của tuổi trẻ như chính anh từng thừa nhận.

Những ngày ảo tưởng 

Nhiều ca khúc của Tuệ thành công qua giọng hát của người khác. Trong khi chính anh từng nói không ai hiểu ca khúc và thể hiện ca khúc trọn vẹn cảm xúc bằng cha đẻ của nó. Nhưng đó là suy nghĩ của nhiều năm về trước, khi mà “tôi không chỉ tưởng là mình hát hay đâu, tôi còn ảo tưởng nhiều thứ lắm”.

“Tôi có thất bại gì cũng là do chính tôi thôi. Từ những tật xấu trong tính cách, lối sống của mình thời trẻ. Lúc vấp ngã, nhận ra, rồi thay đổi, cũng gần 15 năm đó”, Tuệ nhớ lại.

Dẫu thừa nhận đó là một tuổi trẻ ngông cuồng nhưng Tuệ yêu vẫn yêu nó vì những thất bại cho anh "một trời kinh nghiệm sống".

Tuệ nay đã trở thành một người thầy, người hướng dẫn, dìu dắt nhiều cô cậu học trò đam mê nghệ thuật. 

“Thời điểm đào thải gay gắt như hiện tại, các bạn trẻ lên nhanh và xuống nhanh như thế này, các bạn không có nhiều cơ hội sai rồi sửa như tôi đâu. Tuổi trẻ của các bạn ngắn hơn chúng tôi rất nhiều.

Tôi đem những bài học thất bại của cuộc đời mình dạy lại cho những cậu bé, cô bé mới. Có người nghe, có người không nghe, nhưng tôi nhìn là biết ai có thể toả sáng rực rỡ, ai sau này cũng lẹt đẹt như tôi”, Tuệ nói.

Tăng Nhật Tuệ "dù đớn đau vẫn giữ hy vọng"
Hiện tại, Tăng Nhật Tuệ đang làm thầy giáo kiêm nhà sản xuất

Hai thái cực sáng tác

Tăng Nhật Tuệ là người đứng đằng sau những ca khúc “gây thương nhớ” như: Hy vọng, Cần lắm, Muốn khóc thật to, Em không làm được đâu, Giữ anh đi, Tình nhân, Buông tay…

Tăng Nhật Tuệ cũng là “cha đẻ” của những ca khúc thời thượng với nhạc RnB, EDM như Xếp hình, Bản năng hay Ayo Super girl…

Vẫn còn một mảng khác trong âm nhạc của Tăng Nhật Tuệ mà những khán giả “có tuổi” một chút lại đồng cảm với anh nhiều hơn, đó là những Tự nhiên đánh rơi, Đen và trắng, Không có bài tình ca cuối, Đồng thoại, Ánh sáng và bầu trời, Không nhà, Ngày từ đêm trắng sinh ra, Muốn khóc thật to… hay gần đây là Bức thư gửi lên thiên đường, Con vẫn chưa lớn.

Nếu đặt lên bàn cân, rõ ràng Tuệ có hai thái cực trong những sáng tác của mình. Một bên là những ca khúc với ca từ dễ nghe, có vần dễ nhớ và một bên là những sáng tác “nặng” về cả giai điệu lẫn ca từ, không dễ gì nghe một lần là hiểu hết tầng sâu ý nghĩa đằng sau mặt chữ của nó.

Phải chăng Tăng Nhật Tuệ tìm ra bài giải cho bài toán nghệ thuật-cơm áo gạo tiền bằng việc chia sáng tác của mình ra hẳn hai nửa: một dành cho thị trường, thị hiếu và một cho chính mình, cho những khán giả yêu anh từ những ngày đầu?

Tuệ thừa nhận càng đi gần với thị hiếu, gần với tai nghe của phần đa khán giả, anh lại càng rời xa âm nhạc bản sắc của chính mình.

Một lẽ dễ hiểu bởi “cơm áo không đùa với khách thơ” và chắc rằng “cơm áo” cũng chẳng đùa với nhạc sĩ, người làm nghệ thuật như Tuệ.

Tăng Nhật Tuệ "dù đớn đau vẫn giữ hy vọng"
"Ngày trẻ, tôi không chỉ tưởng mình hát hay. Tôi còn ảo tưởng nhiều thứ lắm" – Tăng Nhật Tuệ

16 tuổi, với tính cách “cái gì ra cái đó, kể cả âm nhạc”, Tuệ cho biết mình đã đứng vào hàng ngũ những người thích rạch ròi đâu là nhạc “sang”, đâu là nhạc “chợ”, đâu là nhạc để nghe, đâu là nhạc để xem. 

Bởi thế, Tuệ chỉ đang thỏa hiệp với tư duy âm nhạc chứ không trộn lẫn những giá trị với nhau.

Ca từ luôn là điều tạo nên sức mạnh trong những bài hát của Tăng Nhật Tuệ. Tuy vậy, chính anh cũng thừa nhận từ khi “làm kinh tế”, anh ngại tìm chữ, ngại chơi chữ. Đến mức “lâu lâu nghe lại những sáng tác cũ mà giật mình không hiểu sao ngày xưa viết được tới như vậy”.

"May mắn quá, tới 30 tôi được làm điều mình thích"

Tăng Nhật Tuệ cho biết anh ngưng hát từ khá lâu và chỉ thỉnh thoảng đi hát cho vui. Ngoài công việc sáng tác, hiện Tăng Nhật Tuệ là thầy giáo ở công ty đào tạo nhóm nhạc và trường âm nhạc dành cho thiếu nhi. Ngoài ra, Tuệ cũng đảm nhận vai trò nâng đỡ cho các bạn trẻ trong công ty mình. 

"May mắn quá phải không, tới 30 tuổi thì tôi được làm cả cái mình thích nhất lẫn cái mình làm tốt nhất". 

Có lẽ lời ca từ bài Hy vọng – một trong những sáng tác được biết đến nhiều nhất của Tăng Nhật Tuệ – đã phản ánh nỗi niềm của anh trong nghệ thuật: "Hy vọng anh vẫn giữ riêng anh chẳng đánh rơi phút nào. Hy vọng anh vẫn giữ đầy cả giấc mơ dẫu đớn đau. Dù phải đớn đau ngàn năm cũng đành. Dù là giấc mơ ngàn kiếp không thành. Chỉ cần em còn trên mặt đất này. Anh vẫn hy vọng. Vẫn hy vọng…"

TRÀ MY/ TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)