Tập đoàn Meta của tỉ phú Mỹ Mark Zuckerberg muốn một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có năng lực tương đương mô hình tiên tiến nhất của OpenAI, công ty khởi nghiệp mà đối thủ Microsoft đang chống lưng.
Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đang phát triển một hệ thống AI mới có thể "mạnh hơn vài lần" so với mô hình mà họ mới phát hành cách đây hai tháng, Llama 2, và hy vọng sản phẩm này sẽ sẵn sàng để ra mắt trong năm tới, theo tường thuật của báo The Wall Street Journal ngày 10.9.
Meta đang nỗ lực chạy đua trong lĩnh vực AI. Reuters
Kỳ vọng của Meta
Trích dẫn một số nguồn tin, tờ báo cho biết hệ thống AI đang được Meta nghiên cứu sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng các công cụ tạo ra văn bản, phân tích phức tạp cũng như sản phẩm khác. Đây là công việc của một nhóm được ông Mark Zuckerberg, chủ tịch kiêm CEO của Meta, thành lập vào đầu năm nay nhằm thúc đẩy việc phát triển các công cụ "AI tạo sinh" (generative AI) có thể tạo ra các diễn đạt giống con người. Một số người cho biết Meta dự kiến bắt đầu huấn luyện hệ thống AI mới này – về cơ bản là một "mô hình ngôn ngữ lớn" (LLM) – vào đầu năm 2024.
Dự án nói trên, chưa từng được đưa tin trước đây, là một phần trong nỗ lực của ông Zuckerberg nhằm định vị Meta là thế lực lớn trong thế giới AI sau khi bị tụt lại phía sau các đối thủ. Cạnh tranh trong lĩnh vực đã gia tăng mạnh mẽ trong năm nay, tạo ra những luồng quan điểm khác nhau về mọi thứ, từ mô hình kinh doanh tốt nhất cho đến cách thức quản lý công nghệ.
Meta đang xây dựng các trung tâm dữ liệu cần thiết cho dự án và mua thêm chip H100, loại tiên tiến nhất trong số các sản phẩm chip của Nvidia (công ty chuyên cung cấp phần cứng và phần mềm AI) được sử dụng cho việc huấn luyện các hệ thống AI như vậy. Dù Meta đã hợp tác với Microsoft để cung cấp Llama 2 trên nền tảng điện toán đám mây Azure của Microsoft, lần này Meta có kế hoạch huấn luyện mô hình mới trên cơ sở hạ tầng của riêng mình.
Meta hy vọng mô hình mới sẽ có khả năng tương đương mô hình GPT-4 mà OpenAI ra mắt vào tháng 3. GPT-4 củng cố sức mạnh cho các sáng kiến kiếm tiền của OpenAI, chẳng hạn công cụ ChatGPT for Business mới được giới thiệu gần đây, sau sự xuất hiện gây tiếng vang mạnh mẽ của ChatGPT hồi cuối năm ngoái. Hệ thống mới của Meta cũng có thể sẽ được ra mắt sau màn ra mắt dự kiến của Gemini, một mô hình ngôn ngữ lớn tiên tiến đang được Google phát triển.
Sản phẩm "nguồn mở"
Tỉ phú Zuckerberg theo đuổi cách tiếp cận "nguồn mở" trong việc phát triển các hệ thống AI, kể cả dự án mới, tức các doanh nghiệp có thể sử dụng miễn phí các hệ thống này để xây dựng các công cụ ứng dụng AI. Các hệ thống như ChatGPT của OpenAI và Bard của Google đều không phải là sản phẩm "nguồn mở".
LHQ cảnh báo tác hại của AI trong trường học LHQ tuần trước đã kêu gọi ban hành các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT trong trường học, bao gồm việc giới hạn độ tuổi học sinh được phép sử dụng, theo AFP. Trong hướng dẫn mới dành cho các chính phủ, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cảnh báo rằng các cơ quan công quyền chưa sẵn sàng giải quyết bài toán đạo đức khi triển khai các chương trình AI tạo sinh trong trường học. Theo UNESCO, việc dựa vào những chương trình như vậy thay vì giáo viên có thể gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh và khiến các em dễ bị thao túng. UNESCO khuyến nghị việc sử dụng công cụ AI chỉ nên dành cho học sinh từ 13 tuổi trở lên. |
Cách tiếp cận nguồn mở có một số lợi thế nhất định, chẳng hạn sản phẩm có chi phí thấp hơn và khả năng ứng dụng cao hơn. Song theo một số chuyên gia pháp lý, các mô hình nguồn mở cũng có nhiều nhược điểm, bao gồm rủi ro gia tăng xung quanh việc chúng khai thác thông tin có khả năng được bảo vệ bản quyền, cũng như việc chúng được sử dụng để khởi tạo và truyền bá thông tin sai lệch.
Bình luận (0)