- 1 Tăng quyền chủ động cho học sinh thiết kế hình thức tổ chức bài học
Trong bối cảnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ, các hình thức tổ chức dạy học áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại mang lại nhiều hiệu quả, nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và khơi gợi sự hứng thú, tương tác tích cực cho học sinh.

Nếu trước đây, giáo viên chỉ trang bị tranh, hình ảnh để minh họa bài học hay sử dụng máy tính để soạn bài, còn học sinh chỉ quan sát và lắng nghe thì hiện nay, thầy cô cùng học sinh đã áp dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho hoạt động giáo dục. Một số ứng dụng được thiết kế dành riêng cho mục tiêu giáo dục nhưng cũng có một số sản phẩm phục vụ giải trí lại phù hợp với hoạt động giáo dục bởi tính năng tiện dụng, hấp dẫn làm cho việc học của học sinh trở nên sinh động và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là các tiết học thực hành – kỹ năng trong nhà trường. Dễ nhận thấy trong bối cảnh dạy học hiện đại lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên ngày càng giao thêm cho học sinh các quyền tự chủ, thiết kế hình thức, chủ đề bài học. Theo đó, giáo viên đặt ra các yêu cầu, nội dung chính, phần còn lại học sinh sẽ tìm hiểu sách giáo khoa, tài liệu kết hợp khai thác thông tin trên internet để thiết kế bài thu hoạch trình bày trước lớp. Các em vận dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm của bài học một cách sáng tạo nhất.
Đối với lớp tôi chủ nhiệm (lớp 7/6 Trường THCS Trương Văn Ngư, TP.Thủ Đức), trong các tiết học hoạt động – trải nghiệm mỗi tuần, tôi thường đặt ra các yêu cầu của từng chủ đề, sau đó giao cho các nhóm học sinh (chủ yếu là phân theo tổ) chuẩn bị trước một tuần. Các học sinh trong tổ sẽ chia nhau từng nhiệm vụ cụ thể. Thông thường, trong một nhóm sẽ có hai học sinh có trách nhiệm trình bày chủ đề trước lớp sau khi soạn xong bài và hai học sinh thiết kế nội dung trên ứng dụng, số học sinh còn lại sẽ tìm hiểu chủ đề, thảo luận và gom ý lại để xây dựng chủ đề bài thuyết trình. Khi mỗi nhóm thuyết trình, tôi đều nhìn thấy sự thành thạo công nghệ của các em, trong đó phần thiết kế hình ảnh, video, văn bản trình bày để lại ấn tượng nhất. Với một bài thuyết trình có nội dung hay và sâu sắc là chưa đủ mà phải cần thêm hình ảnh, video trực quan, sinh động để gây sự tập trung, chú ý và đôi khi nó lại quyết định đến thành công của bài thuyết trình. Chính vì vậy, học sinh mỗi nhóm mạnh dạn thể hiện góc nhìn riêng, cách thiết kế riêng cho bài của nhóm.

Đối với hình thức hoạt động – trải nghiệm tại lớp mỗi tuần, học sinh thường dùng ứng dụng Canvas để thiết kế tích hợp video, hình ảnh, văn bản thay vì sử dụng PowerPoint của Microsoft đơn điệu như trước đây. Theo nhiều học sinh, ứng dụng Canvas rất sinh động, hình ảnh và văn bản chuyển động đẹp mắt, sau cùng là dễ sử dụng. Bên cạnh đó, học sinh trước khi biên tập bài thuyết trình trên ứng dụng Canvas, các em còn sử dụng các ứng dụng trực tuyến khác để tải video, sau đó có thể dùng thêm một ứng dụng khác như Capcut để cắt và chỉnh sửa video, tạo bố cục chuyển động, tăng – giảm tốc độ phát video. Vì vậy, mỗi giờ học do học sinh thiết kế luôn đầy ắp tiếng cười, với những tình huống thú vị và bất ngờ. Thấy được khả năng của học sinh, tôi thường giao cho các em chuẩn bị và chỉ yêu cầu đưa file cho thầy duyệt trước một ngày so với ngày trình bày sản phẩm.
Trong một hoạt động trải nghiệm dưới cờ mới đây được giao cho lớp tôi phụ trách, học sinh vất vả tìm kiếm nội dung để thiết kế buổi dẫn dắt chủ đề: Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). Các em đã liên hệ với giáo viên mỹ thuật để vẽ bốn bức tranh về bốn giai đoạn của đời người, đó là: giai đoạn đầu về em bé được cưu mang từ sự vất vả, che chở của người mẹ; giai đoạn hai là bức hình của nữ sinh với tâm hồn thơ ngây và trong trẻo ở độ tuổi thần tiên; giai đoạn ba là bức hình về những người phụ nữ trưởng thành; giai đoạn bốn là bức hình về những người mẹ già yếu với tâm trạng kết hợp vừa thể hiện sự khắc khoải đợi chờ con chinh chiến trước đây vừa chờ đợi con về ăn cơm chiều trong một xã hội tấp nập, công việc cuốn đi mà không còn thời gian bên mẹ.

Ngày trình bày trước toàn trường, các em đã làm chủ buổi thuyết trình với nhiều cảm xúc – hai học sinh thay nhau thuyết trình đầy cảm động về bốn bức tranh ấy trên nền nhạc do bạn lớp phó văn nghệ tuyển chọn (bài “Nhật ký của mẹ” làm nền cho bức tranh thứ nhất; bài “Tuổi học trò” làm nền giới thiệu bức tranh thứ hai; bài thứ ba “Lời nói dối của mẹ” diễn tả mối bận tâm của người mẹ lo cho con cái; cuối cùng là bài “Huyền thoại mẹ” gắn với giai đoạn thứ tư của đời người phụ nữ).
Với dạy học dự án, việc thầy và trò cùng thỏa thuận áp dụng công nghệ hiện đại là lợi thế cho các môn học thực hành như giáo dục địa phương, hoạt động – trải nghiệm. Các môn này không bị gò bó trong phạm vi sách giáo khoa và giáo viên trao quyền chủ động cho học sinh. Lợi ích mà ai cũng thấy được là sản phẩm của học sinh có sự tươi mới, đa dạng và gần gũi lứa tuổi học trò. Giáo viên chỉ cần chú ý tới nội dung bám sát chương trình, không đi chệch khỏi nội dung bài học và hướng dẫn học sinh tổ chức, còn lại học sinh sẽ thiết kế hình thức một cách linh hoạt nhất. Hoạt động dạy và học này giúp tạo sự thoải mái cho thầy và trò cũng như khám phá tri thức mới từ thực tiễn, nhất là các ứng dụng công nghệ thông minh ngày nay.
Nguyễn Minh Thanh
(giáo viên Trường THCS
Trương Văn Ngư, TP.Thủ Đức)
Bình luận (0)