Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Tăng quyền tự chủ cho cơ sở

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ vừa ban hành thông tư 07/2009/TTLT-BGDĐT-BNV, ký ngày 15-04-2009, hướng dẫn quyền thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành GD-ĐT. Phạm vi điều chỉnh là các đơn vị công lập thuộc ngành có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập; đối tượng áp dụng gồm các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và các cơ quan nghiên cứu, báo, tạp chí thuộc ngành GD-ĐT.
Sau Nghị quyết 05 và Nghị định 43 của Chính phủ ban hành năm 2006, thông tư này đã cụ thể hóa quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục công lập, tạo điều kiện để tăng cường hiệu lực quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Từ nay, các trường và các cơ sở công lập tự chủ tài chính khác thuộc ngành GD-ĐT có thêm công cụ pháp lý rõ ràng để tổ chức và hoạt động.
Thông tư liên tịch giữa 2 bộ GD-ĐT và Nội vụ mở ra nhiều vấn đề về tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp có thu, cho phép họ tự cân đối thu chi trên cơ sở đảm bảo hoạt động đạt hiệu quả cao nhất cho đơn vị. Các đơn vị có thể xây dựng kế hoạch để tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động hoặc đảm bảo một phần chi phí, phần chi phí còn lại do Nhà nước cấp bổ sung. Thông tư cũng hướng dẫn rõ quyền tự chủ của đơn vị trong vấn đề tuyển dụng nhân sự, chi trả lương, nâng lương, chuyển ngạch, nâng ngạch; chủ động liên kết hoạt động…
Khi Nghị quyết 05 và Nghị định 43 của Chính phủ ra đời, TP.HCM là địa phương sớm có những trường được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ thực hiện nhiệm vụ, tự chủ tài chính – thường gọi tắt là trường tự chủ tài chính. Mấy năm gần đây loại hình trường này đã phát huy thế mạnh, bước đầu nâng cao chất lượng giáo dục như Trường THPT Nguyễn Thái Bình; THPT Lê Quý Đôn và một số trường mầm non, phổ thông và chuyên nghiệp khác. Mô hình trường tự chủ tài chính xuất phát từ nghị quyết của Đảng và chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và thể dục thể thao; do thực tế cuộc sống đòi hỏi chứ không phải là “cái gì từ trên trời rơi xuống” một cách tùy tiện như ý kiến đã nêu trên một tờ báo nọ. Mô hình này cần được sơ kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng cho nhiều cơ sở giáo dục khác tại thành phố.
Nhìn chung, Thông tư liên tịch 07 của hai bộ GD-ĐT và Nội vụ đã thực sự cởi trói cho các đơn vị, để các đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; biên chế bộ máy nhân sự tinh gọn; tự cân đối thu chi… nhằm tăng hiệu quả hoạt động, giảm một phần gánh nặng ngân sách; đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ngày càng thoát khỏi cơ chế bao cấp “xin cho” vốn là nguyên nhân gây trì trệ sự phát triển. TP.HCM cần sớm triển khai thực hiện thông tư này trước khi năm học mới bắt đầu.
Nhuận Đức

Bình luận (0)