Học sinh THCS tại Q.Gò Vấp làm quen với việc học nghề |
“Yêu cầu các quận, huyện tiếp tục làm tốt công tác phân luồng để học sinh vào học trung cấp”. Đó là lời khẳng định của ThS. Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM trong buổi sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II giáo dục chuyên nghiệp (GDCN) TP.HCM mới đây.
Trường nghề: mở rộng quy mô
Theo báo cáo của Phòng GDCN (Sở GD-ĐT TP.HCM) đến nay các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) của thành phố đã có nhiều phát triển cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Năm 2009, số học sinh đăng ký vào học tại các trường TCCN là hơn 50 ngàn học sinh, sinh viên (HSSV). Năm nay, theo thống kê của 30 trường đến thời điểm này số HSSV đang theo học là hơn 77 ngàn. Trong khi đó thành phố có nhiều trường có cơ sở vật chất tốt như: Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, Trường CĐ KT-KT Lý Tự Trọng, Trường CĐ KT-KT Phú Lâm… Song song đó nhiều trường tiếp tục mở rộng cơ sở vật chất như Trường Trung cấp KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh xây dựng thêm 1.300m2 phòng học, phối hợp với UBND huyện Nhà Bè nhận 34.000m2 để nâng cấp thành trường CĐ. Trường Trung cấp KT-NV Nam Sài Gòn tiếp tục nhận 7,6ha đất tại huyện Cần Giờ, Trường CĐ KT-KT Phú Lâm tiến hành nhận 5,7ha tại huyện Bình Chánh…
Trong công tác phân luồng, hướng nghiệp, Sở GD-ĐT đã chủ động phối hợp với các quận huyện như quận 6, 8, 12, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ… Tại quận 8, Phòng GD-ĐT tổ chức phân luồng cho nhiều đối tượng (HS bỏ học, rớt tốt nghiệp phổ thông…). Theo đó, những HS tốt nghiệp THCS có năng lực học tập từ trung bình khá trở lên, có điều kiện kinh tế thì được định hướng vào các trường phổ thông. Với những HS có điều kiện kinh tế khó khăn, năng lực học tập từ trung bình trở xuống thì được định hướng vào học lớp 10 hệ bổ túc, học hệ TCCN. Chính vì vậy, năm học 2008-2009, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tiếp tục đi học đạt 99,66%. Còn tại quận 6 thì thành lập Ban chỉ đạo phân luồng HS từ cấp quận xuống cấp phường, sau đó liên hệ với Ban tuyển sinh – Trường CĐ KT-KT Phú Lâm xin chỉ tiêu ưu tiên cho HS có hộ khẩu ở quận 6. TTGDTX của quận thì gửi giấy báo đến từng HS không đủ điều kiện vào lớp 10 phổ thông. UBND quận cũng duyệt trợ cấp học phí cho HS nghèo hệ TCCN tại Trường CĐ KT-KT Phú Lâm là 27 triệu đồng… Chính vì vậy trong năm học 2009-2010, trong tổng số 437 HS tốt nghiệp THCS nhưng thi hỏng hoặc bỏ thi lớp 10 thì Ban chỉ đạo phân luồng quận đã vận động được 425 HS đăng kí vào lớp 10 các hệ ngoài công lập chính quy và TCCN, đạt tỷ lệ 97,2%. Trong số này, 245 em vào học hệ TCCN của Trường CĐ Phú Lâm, 135 em vào học lớp phổ cập ban đêm và bổ túc ban ngày, 45 em vào trường dân lập, tư thục.
Tại quận nội thành như quận Phú Nhuận việc phân luồng HS thì trong năm học 2008-2009, tỷ lệ HS sau tốt nghiệp THCS vào trường chuyên nghiệp lên đến con số 30,62% (tỷ lệ này vào năm 2006-2007 là 2,91% và 2007-2008 là 19,94%).
Khó khăn vẫn còn phía trước
Mỗi năm, TP.HCM có khoảng 67 ngàn HS tốt nghiệp THCS, 55 ngàn HS tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, chỉ có khoảng 10% HS vào học tại các trường TCCN còn lại các em HS không “mặn” với học nghề. Vì thế trong số 77 ngàn HSSV hiện đang học ở các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM thì chỉ khoảng hơn 10 ngàn HS có hộ khẩu tại TP.HCM còn lại là ở các tỉnh thành khác. Vậy bài toán nào để đưa số lượng HS bỏ học, các em HS học “vật vờ” tại các trường THPT, ĐH hướng vào học các trường nghề? Trong khi đó với chức năng của mình, Sở GD-ĐT đã cố gắng trong việc phân luồng nhưng vẫn không thể làm triệt để được. Trong những tháng vừa qua, đoàn làm việc của Sở GD-ĐT TP.HCM đã liên tục xuống từng quận, huyện để nắm bắt, làm việc với ban ngành, UBND các quận, huyện về công tác phân luồng học sinh. ThS. Phạm Ngọc Thanh chia sẻ: “Việc phân luồng, hướng nghiệp một mình Sở GD-ĐT là không thể làm nổi, phải có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các quận, huyện. Chúng ta phải xem mỗi quận, huyện đã có bao nhiêu học sinh vào học nghề, bao nhiêu học sinh nghỉ học. Đơn cử như huyện Nhà Bè có nhiều học sinh gia đình khó khăn, học lực dưới trung bình nhiều, nhưng việc học nghề với các em vẫn còn là một bài toán khó giải”. Theo ThS. Phạm Ngọc Thanh nếu không vào trung cấp thì những em HS thi rớt ĐH, CĐ và các em không đậu tốt nghiệp lại tiếp tục chờ đến năm sau thi tiếp hoặc làm những công việc không cần bằng cấp. Và cứ thế, năm nào số lượng thí sinh đăng ký thi ĐH, CĐ cũng đông hơn năm trước, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Song song đó, hiện nay nhiều trường TCCN ngoài công lập cơ sở vật chất còn tạm bợ, chưa đủ máy móc trang thiết bị đáp ứng việc dạy và học của HS nên cũng khiến các em HS “quay lưng” với học nghề. Vì vậy theo kế hoạch của Sở GD-ĐT dự kiến tỷ lệ phân luồng đến những năm 2015 và 2020: Sau THCS, có 70% HS tiếp tục vào học các trường phổ thông và 30% vào giáo dục nghề nghiệp. Còn sau THPT, có 40% HS vào ĐH-CĐ, 60% HS vào giáo dục nghề nghiệp.
Bài, ảnh: Văn Mạnh
Bình luận (0)