TP.HCM đặt mục tiêu trong 2022 phải khép kín được đường Vành đai 2, khởi công Vành đai 3 để tạo bước đột phá về hạ tầng, thúc đẩy kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Dồn lực thúc tiến độ từng dự án
Ngày 20.1 vừa qua, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM (Tổ công tác). Bên cạnh Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giữ cương vị Tổ trưởng, Tổ công tác tập hợp đầy đủ các thành viên đến từ UBND các tỉnh có hệ thống đường vành đai đi qua, cùng thứ trưởng các bộ trực tiếp liên quan như Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch – Đầu tư , Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng…
Nhiệm vụ của Tổ công tác là tổ chức rà soát phạm vi, quy mô đầu tư, phương án kỹ thuật, công nghệ, tác động môi trường, tổng mức đầu tư dự án (chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí đền bù, hỗ trợ tái định cư); Phân chia dự án thành phần và các nội dung liên quan, theo đúng các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Đáng chú ý, Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ tham gia giải quyết nhiệm vụ thuộc chức năng, thẩm quyền của cơ quan đó.
Cần nhanh chóng sửa luật Đầu tư công, cho phép nhà nước đóng góp tỷ lệ linh động, tùy theo thời gian thu hồi vốn của dự án. Nếu tháo được điểm nghẽn này sẽ mở cơ hội rất lớn cho không chỉ đường Vành đai 3, đường trên cao mà cả cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và nhiều dự án giao thông trọng điểm khác trên địa bàn TP. TS Trần Du Lịch |
Cùng ngày, Hội đồng thẩm định nội bộ thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM cũng được UBND TP chính thức thành lập, do Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Hòa Bình làm Chủ tịch. Phó chủ tịch UBND các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai cùng giám đốc các sở: GTVT, Kế hoạch – Đầu tư, Tài nguyên – Môi trường… của TP.HCM làm ủy viên.
Cả 2 tổ công tác đặc biệt này được ban hành quyết định thành lập ngay sau cuộc họp thúc tiến độ các dự án đường vành đai của TP.HCM và Hà Nội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sau khi được thành lập, các hội đồng đặc biệt chuyên trách này sẽ liên tục có những cuộc họp định kỳ để theo dõi sát sao những vấn đề cụ thể của từng dự án, cho tới khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Trước đó, tại Hội nghị Tổng kết năm 2021 của Ban An toàn giao thông, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định TP sẽ rà soát lại, tập trung ưu tiên nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2022 – 2025. Trong đó, ngay trong 2022 sẽ cố gắng khép kín đường Vành đai 2, chuẩn bị đầu tư pháp lý xây dựng đường Vành đai 3 để đưa dự án hoàn thành trong nhiệm kỳ này.
“TP đang cùng các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ, tới tháng 5 sẽ trình Quốc hội chủ trương xây dựng đường Vành đai 3 từ ngân sách T.Ư và địa phương. Song song, khởi động chuẩn bị triển khai Vành đai 4 trên tinh thần chung là rất khẩn trương và cấp bách, cơ bản hoàn thành một số đoạn từ nay đến 2025”, ông Mãi thông tin.
Việc hoàn thiện hệ thống đường vành đai của TP.HCM sẽ giúp thúc đẩy khu vực kinh tế trọng điểm phía nam phát triển. ĐỘC LẬP
“Cực kỳ quan trọng” và “vô cùng cấp bách”
Đó là nhận định của lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM đối với các dự án đường vành đai hiện nay. Theo vị này, quy hoạch TP.HCM sẽ có 3 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 356 km. Trong đó, đường Vành đai 2 đảm nhận chức năng phân luồng giao thông trong khu vực nội thành; đường Vành đai 3, Vành đai 4 có tính chất liên kết vùng, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Hệ thống đường vành đai sau khi hoàn thiện không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương, mà còn giúp tăng tính kết nối liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, đô thị hóa nông thôn dọc tuyến, kết nối các TP vệ tinh của TP.HCM. Đồng thời tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh theo quy hoạch, kết nối các tuyến cao tốc trong vùng, giảm ùn tắc…
Với vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, đã có rất nhiều nghị quyết của TP yêu cầu phải khép kín đường vành đai trong nhiệm kỳ, nhưng đã mấy nhiệm kỳ trôi qua, hệ thống đường kết nối huyết mạch này vẫn ì ạch. Đường Vành đai 2 còn 14 km chưa khép kín, Vành đai 3 mỏi mòn chờ khởi công, Vành đai 4 thì vẫn đang dừng ở bước khởi động. Thực tế, TP có đường Vành đai 1 là đường Võ Văn Kiệt đã hoàn thiện, nhưng nay cũng trở thành đường nội đô khi gánh vác lượng xe đô thị lưu thông quá lớn.
“Việc chưa đầu tư đồng bộ hệ thống đường vành đai đã trở thành điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM cũng như khu vực trọng điểm kinh tế phía nam”, vị này khẳng định.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Không chỉ giải tỏa giao thông nội đô, dự án Vành đai 3, Vành đai 4 có vai trò huyết mạch đối với các địa phương trong vùng. Đây còn là điểm đầu loạt tuyến cao tốc như TP.HCM – Mộc Bài, kết nối TP.HCM giữa các địa phương, sau khi toàn hành sẽ tạo điều kiện mở những cửa ngõ đang ùn tắc. Các tỉnh phía nam là địa bàn vừa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nếu nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối sẽ góp phần rất lớn thúc đẩy giao thương, phục hồi kinh tế toàn vùng.
Đường Vành đai 2 của TP.HCM còn 14 km chưa khép kín. NGỌC DƯƠNG
Cần T.Ư hỗ trợ giải bài toán vốn
Không nằm ngoài nguyên nhân cố hữu dẫn đến sự chậm trễ đầu tư hạ tầng, hệ thống đường vành đai của TP.HCM ì ạch cả thập kỷ cũng bởi không tìm được nguồn vốn. Cụ thể, đường Vành đai 2 còn 14 km chưa khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 4 dự án. Trong đó, đoạn 1 và đoạn 2 (từ cầu Phú Hữu Q.9 đến xa lộ Hà Nội và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng) đến nay vẫn chưa được thông qua chủ trương đầu tư vì chưa xác định được nguồn vốn.
Vành đai 3 cũng tương tự. Toàn dự án được chia thành 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài 91,66 km và 8,3 km các tuyến nối. Dự kiến mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 84.684 tỉ đồng. Theo phương án của Bộ GTVT, dự án được chia thành 2 phần, trong đó phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành hai bên sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Phần xây dựng đường cao tốc 4 làn xe sẽ thực hiện theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) hợp đồng BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao).
Đáng nói, Bộ GTVT đã nghiên cứu 4 phương án đầu tư, song, có đến 3 phương án không thể hoàn vốn mặc dù đã có sự hỗ trợ của nhà nước tối đa là 50% tổng mức đầu tư. Riêng đối với phương án kiến nghị đầu tư theo hình thức PPP phần đường cao tốc có sử dụng phần vốn nhà nước hỗ trợ, dù được đánh giá là khả thi nhất nhưng Bộ GTVT cũng phải thừa nhận với thời gian thu phí hoàn vốn 29 năm, phương án này cũng rất khó thu hút nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.
Chưa kể, theo UBND TP.HCM, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành hai bên của dự án rất lớn (khoảng 52.468,15 tỉ đồng). Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa trải qua khó khăn của dịch bệnh, TP.HCM và các tỉnh chưa thể cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án giai đoạn 2021 – 2025.
Do đó, TP.HCM cùng 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất kiến nghị T.Ư hỗ trợ ngân sách để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỉ đồng. Trường hợp vốn ngân sách T.Ư không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất T.Ư hỗ trợ toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 46.971 tỉ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết tỉnh đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn, đã lập dự toán, triển khai công tác bồi thường để bảo đảm có mặt bằng để quý 1 có thể khởi công tuyến cao tốc dài 6,3 km trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kinh phí cho giải phóng mặt bằng chiếm tới 80%, cần sự hỗ trợ đầu tư từ vốn ngân sách thì phương án PPP mới khả thi.
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)