Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng tốc ôn luyện

Tạp Chí Giáo Dục

Tùy theo địa bàn và đối tượng giảng dạy, mỗi trường có một cách làm khác nhau nhưng tựu trung thời gian tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém đa số khởi đầu vào tháng 10, chậm nhất là tháng 11. Điểm số để căn cứ xếp vào diện cần phụ đạo có khi dựa vào kết quả điểm trung bình bộ môn của năm học trước, điểm kiểm tra đầu năm hay đề xuất của giáo viên bộ môn. Các môn học nhà trường chọn phụ đạo luôn là những môn chính như: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý và hóa học. Ngoài ra, một vài môn như lịch sử hay địa lý cũng được “phụ đạo” theo hình thức dò bài ngoài giờ học chính khóa. Thầy Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phước nói: “Trường chúng tôi nằm ở khu vực ngoại thành (vùng sâu vùng xa) nên học sinh đa phần là con em nông dân hay lao động thủ công. Trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển nên số học sinh có học lực yếu kém chiếm tỉ lệ khá cao. Để nâng chất các em, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã triển khai kế hoạch phụ đạo”. Trường THPT Long Thới cũng thuộc diện trường vùng sâu vùng xa, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khoái cho biết: “Chương trình học ở bậc THPT không dễ dàng đối với các trường nằm ở khu vực ngoại thành, nếu chậm tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém sẽ tạo thêm khó khăn không chỉ cho các em mà còn cho cả giáo viên”. Như lời cô Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh: “Tỉ lệ học sinh xếp loại trên TB ở lớp 9 trên 80%, nhưng chỉ sau một vài tuần học lớp 10, tỉ lệ này chỉ còn chưa đến 20%!”. Chính vì thế, việc tổ chức phụ đạo cho những em có học lực yếu kém là điều không thể chậm trễ đối với các trường THPT nằm ở khu vực ngoại thành. Ở khu vực nội thành chỉ một số ít trường THPT phải đợi đến học kỳ II mới tổ chức các lớp phụ đạo, còn hầu hết đều tiến hành từ rất sớm.
Riêng với khối lớp 12, không chỉ chịu sức ép về nội dung đang theo học mà các em còn phải ôn lại một số kiến thức ở những điều lớp dưới. Bởi các em học không chỉ để hoàn thành chương trình và tốt nghiệp THPT mà còn để tranh một vị trí ở những trường đại học hoặc cao đẳng có thi tuyển. Cô Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Ngay từ đầu học kỳ II, chúng tôi đề nghị giáo viên chủ nhiệm khối lớp 12 phải thống kê số lượng học sinh yếu kém hoặc những em khả năng tốt nghiệp THPT thấp để nhà trường có kế hoạch phụ đạo. Kế tiếp chúng tôi mời phụ huynh các em này họp để thông báo tình trạng học tập của con em họ và đề nghị phụ huynh hợp tác với nhà trường trong việc đôn đốc, kiểm tra và tạo điều kiện cho các em tham gia học phụ đạo. Những lớp phụ đạo chúng tôi không thu tiền. Tiền thù lao cho giáo viên dạy các lớp này được trích từ nguồn tiền phúc lợi của nhà trường”.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường quá đặt nặng chuyện phụ đạo các môn thi mà lơ là các môn “phụ”, thậm chí có trường trước thời điểm thi tốt nghiệp vài tháng chỉ loay hoay ôn các môn thi. Việc làm sai trái này đã nhiều lần bị phản ánh và khiển trách.
T.T.Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)