Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tăng tốc… ôn tốt nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Thời điểm này các em học sinh lớp 12 tăng tốc ôn tập. Ảnh: N.Anh

Sức nóng “hầm hập” của học thêm, học phụ đạo chưa bao giờ giảm, nhất là từ khi Bộ GD-ĐT công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT 2012. Hết giờ học chính khóa các em học sinh lớp 12 lại chạy đôn đáo đi học thêm.
Đều đặn các ngày trong tuần không được nghỉ, quay như con “lật đật” với giờ học thêm kín như bưng, chật như nêm.
Học thêm để… hóa rồng
Lớp học thêm chưa bao giờ đông như thế. Buổi chiều, lớp học đông đúc ngột ngạt. Mấy cây quạt chạy hết công suất mà vẫn không át được cái nóng hừng hực. Học tối thì buồn ngủ, thầy cô giảng bài mà mắt học trò cứ lim dim mơ màng. Nghe chữ được chữ mất nhưng đầu gật gù hoài. “Dù muốn hay không sắp thi rồi nên mình phải ráng “lết” đi học thôi. Đi học thêm thầy cô cho mình làm nhiều bài tập hơn. Những bài tập của buổi học sau đều được thầy cô chỉ cho làm hết. 45 phút học ở lớp chỉ đủ cho thầy cô “lướt” hết phần lí thuyết. Có giờ làm bài tập nhưng cũng không thể nào giải hết huống chi là giảng bài tập nâng cao. Đối với môn văn hoặc phần lí thuyết, cô cho mình học thuộc như “cháo chảy” từ đầu đến cuối. Cô dò bài không thuộc thì cứ ngồi đó mà học cho đến khi thuộc thì thôi. Tận dụng hết khoảng thời gian “nghèo nàn” để học, chỉ mong sao mình vượt qua kì thi sống còn này”, em A.Điệp, học sinh Trường THPT N. (Q.5) kể.
Khác với trường hợp A.Điệp, em P.Thúy (bạn học cùng trường với Điệp) “thê thảm” hơn khi nghe ba “phán” rằng: “Nếu lần này thi không đậu, ba sẽ đóng cửa phòng mạch một ngày để… chửi con”. Biết tính ba nói là làm, nghe vậy Thúy “hồn xiêu phách lạc”. Đâm đầu tìm lớp học thêm, hết học ở thầy cô dạy mình, Thúy lại “phóng” tới mấy trung tâm mà em đã “chuẩn bị” trước để học. Nghe ai “đồn” thầy cô đó dạy hay, dễ hiểu là em tìm đến “bái sư” ngay. Đi học thêm mà như chạy “sô” hết Q.1, Q.5 lại qua Q.10. Thúy cho biết chưa năm nào phải học bù đầu bù cổ như năm nay. Đi ngủ nằm mơ cũng thấy mình đang gật gù trong lớp học. Năm trước còn “phè phè” ăn chơi, có khi còn dám cúp cua trà chanh với bạn, năm nay đố dám cúp buổi nào. Kì “vượt vũ môn” lần này mà không hóa được… rồng, chắc có nước bỏ nhà ra đi.
Nỗi lo thầy cô “giấu” nghề cũng là một trong những lý do khiến học sinh phải đăng kí đi học thêm, thừa còn hơn thiếu. Do đó chuyện học thêm bỗng dưng “bị” biến thành học chính. Với nhiều học sinh lớp 12 thì học thêm đã trở thành nhu cầu “không thể thiếu”. Học sáng, học chiều, học tối. Học thêm với thầy cô ở trường, ở trung tâm, học với gia sư ở nhà, nhìn vào lịch học của các em mà choáng. Có nhiều em cho biết, đi học về chỉ muốn thả cặp xuống là “bay” luôn vào phòng ngủ một giấc cho đã chứ không thiết tha với bất cứ việc gì nữa. Thậm chí, có em còn chẳng “tha thiết” với việc vệ sinh cá nhân!
Giao trứng cho “ác”
Đến hẹn lại lên, các “lò” luyện thi cấp tốc lại hoạt động rầm rộ như nấm sau mưa. Họ tung ra những chiêu quảng cáo đảm bảo đậu chắc như đinh đóng cột, với giáo viên nhiều kinh nghiệm, giúp lấy lại kiến thức bị rỗng chỉ sau một tuần… Trước những lời hứa hẹn như “rót mật vào tai”, bị đánh trúng tâm lí học sinh liền ghi tên đăng kí ngay. Nhưng khi vào học mới “tá hỏa tam tinh” trước phương thức đào tạo theo kiểu hên xui, học được thì học, không học được thì nghỉ. Thỉnh thoảng thầy đứng trên bục giảng hỏi: “Các em hiểu không?”. Tiếng “hiểu”, tiếng “không” xen lẫn vào nhau rồi thầy quay lại giảng tiếp, chẳng quan tâm gì nữa. “Chỉ mới học vài tuần mà đầu óc em đã loạn cả lên. Ở trung tâm thầy dạy một kiểu, ở trường thầy dạy một kiểu, em không tài nào hiểu, nhớ được bài. Làm bài cứ thấy lủng củng, sau hai bài kiểm tra 10 phút lý và một tiết toán trên lớp em thấy mình còn hổng kiến thức hơn khi chưa học thêm nữa. Do đó em đành phải “bái bai” lớp học đó mặc dù rất tiếc tiền”, em H.Hương, học sinh Trường THPT T. (Phú Nhuận) cho hay.
“Nhiều bạn cứ tưởng học với thầy cô “nổi tiếng”, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy thì mình sẽ tiến bộ nhanh chóng. Rồi lại tin vào những “tin vịt” như thầy cô có thể đoán được đề, ôn sát kiến thức, thầy cô cho trước đề kiểm tra… nên cứ thế đi học mà chẳng cần quan tâm cách thầy dạy mình có tiếp thu được không. Đôi khi, thầy cô “lướt” nhanh quá cũng chẳng dám hỏi lại nữa”, một em nữ sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) nói.
Bên cạnh đó, tâm lí chung của học sinh là thấy bạn bè đi học thêm thì mình cũng đi, không đi học thì sợ bị thầy cô “đì”, sợ không theo kịp các bạn. Còn ngược lại, đi học quá nhiều nơi, học suốt ngày mệt mỏi, không có thời gian học ở nhà đành phải thức khuya dậy sớm. Ngồi trong lớp học đầu óc cứ quay mòng mòng, học trước quên sau, hở ra là… ngủ.
Có thể nói, trong thời điểm “nhạy cảm” này các em học sinh phải cảnh giác cao độ với những lời rao “bội thu” kiến thức chỉ trong một vài tuần. Thêm vào đó là lịch học dày đặc, không có thời gian nghỉ ngơi khiến các em dễ bị “xuất toán, nhập hóa”, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Quyên Phạm
Đừng tưởng cứ chạy “sô” đi học thêm là nhanh chóng thu được một “bồ” kiến thức. Phải có thời gian học, thời gian nghỉ ngơi khoa học, các nhân tố đó “song kiếm hợp bích” thì mới mong thành công được. Học thêm không xấu nhưng đừng lạm dụng để cuối cùng kết quả lại quay trở về số 0. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)