Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh tái cấu trúc, tìm kiếm thị trường lẫn những kênh xúc tiến thương mại, bán hàng mới để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu…
Kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong tháng cuối năm 2022. Các chuyên gia kinh tế và hiệp hội, doanh nghiệp (DN) kỳ vọng với môi trường đầu tư hấp dẫn, xu hướng các nhà mua hàng thế giới tìm đến Việt Nam ngày càng nhiều sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục những mục tiêu mới.
Xuất khẩu đang là điểm sáng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cả nước duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch gần 342,2 tỉ USD – tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đạt 331,5 tỉ USD – tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 674 tỉ USD.
Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, dự kiến vào giữa tháng 12-2022, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỉ USD. Cán cân thương mại sẽ tiếp tục duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với con số thặng dư hơn 10 tỉ USD.
Mới đây, tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức, các chuyên gia kinh tế dự báo khó khăn của kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu sẽ kéo dài đến đầu năm 2023.
Tuy nhiên, với những thuận lợi như: ưu đãi về thuế quan, thủ tục xuất nhập khẩu, lợi thế từ lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết…, cùng với tình hình lạm phát hạ nhiệt và diễn biến kinh tế khả quan tại các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn, năm 2023 cũng là thời cơ để DN xuất khẩu Việt Nam vươn lên.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc ITPC, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục giữ vững sự tăng tưởng xuất khẩu hàng hóa nếu tận dụng hiệu quả các lợi thế nêu trên. "Việt Nam đã và đang là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực nông sản, dệt may, chip điện tử và ôtô.
Rất nhiều công ty nổi tiếng thế giới như Apple, Intel, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G… đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu" – ông dẫn chứng.
Khẳng định Việt Nam đang là "ngôi sao đang lên" trong lĩnh vực cung ứng hàng hóa quốc tế, ông Hu Wei, CEO của Global Source (Hồng Kông – Trung Quốc), cho biết ngày càng nhiều nhà mua hàng quốc tế quan tâm, tìm kiếm nguồn hàng tại Việt Nam kể từ đại dịch COVID-19 đến nay. Sau 7 năm liêp tiếp tổ chức tại Hồng Kông, Global Source đã chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức Triển lãm Nguồn cung ứng quốc tế vào tháng 4-2023 nhằm tận dụng và phát huy thế mạnh này.
Trong khi đó, Giám đốc Headwind Group Eva Yueh cho biết Việt Nam là điểm đến quan trọng và chiến lược của tập đoàn để tìm các nhà sản xuất uy tín trong nhiều lĩnh vực, từ balô, túi mua sắm, túi xách đến các đồ dùng nhà bếp, đồ nội thất và các mặt hàng khuyến mãi khác.
Lạc quan tìm cơ hội trong khó khăn
Ngành xuất khẩu gạo đã có 1 năm thành công. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, cho hay sản lượng xuất khẩu trực tiếp năm 2022 của tập đoàn này tăng gần gấp đôi năm 2021.
Gạo Lộc Trời đã xuất khẩu sang hầu hết các thị trường có nhu cầu về gạo. DN sẽ tiếp tục phát triển thêm khách hàng, tăng thêm sản phẩm mới như: gạo lúa mùa nổi, gạo mầm Vibigaba…, tăng cường xuất khẩu sản phẩm thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" để nâng cao giá trị và nhận diện thương hiệu.
Lộc Trời cũng đẩy mạnh phân khúc gạo cao cấp, xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… "Đây là phân khúc có tỉ suất lợi nhuận cao, DN đã tăng sản lượng từ 12.000 tấn năm 2020 lên 25.000 tấn năm 2022; kế hoạch năm 2023 sẽ tăng lên 50.000 – 70.000 tấn" – ông Hiếu tiết lộ.
Ngành xuất khẩu gạo dự báo năm 2023 sẽ có những yếu tố bất lợi, như Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu gạo, gây áp lực lên nguồn cung và có thể khiến giá gạo thông dụng bị giảm mạnh.
Theo các DN, ở phân khúc này, Việt Nam có những giống lúa gạo như: OM18, Đài Thơm 8, OM5451… được nhiều thị trường lớn trên thế giới là Philippines, Trung Quốc, châu Phi ưa chuộng nên có ưu thế cạnh tranh nhất định. "Vì vậy, DN không quá lo lắng khi Ấn Độ quay lại thị trường xuất khẩu hoàn toàn" – ông Hiếu lạc quan.
Ông Jesse Choi, Tổng Giám đốc vùng Tập đoàn Sunwah Đông Nam Á, nhận xét chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng tăng. Dù vậy, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn về logistics cũng như nâng cao về canh tác, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch để giảm giá thành, tăng cạnh tranh và nâng cao giá trị nông sản. Ngoài ra, các nhà cung cấp nông sản Việt Nam cần chú ý vấn đề sản lượng ổn định hằng năm là yếu tố quan trọng trong thương mại bền vững.
Dù ghi nhận kết quả tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 song nhiều DN linh kiện điện tử, bán dẫn, dệt may, da giày, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ… đang đối mặt thực tế đơn hàng sụt giảm, công nợ kéo dài… Ông Cao Văn Đồng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors Asia, Trưởng Ban Xúc tiến thương mại Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa) – phản ánh ngành chế biến gỗ bị tác động sâu sắc bởi xung đột Nga – Ukraine và suy thoái kinh tế thế giới.
"Càng khó khăn, DN càng tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm lớn trong nước và quốc tế, các kênh tiếp thị, bán hàng trực tuyến để tìm kiếm người mua hàng mới, mở thêm thị trường mới. Giai đoạn này, các công cụ xúc tiến thương mại sẽ được tận dụng triệt để nhằm mở thêm đầu ra cho sản phẩm" – ông Đồng nêu giải pháp.
Với các DN dệt may, đơn hàng xuất khẩu đã sụt giảm bình quân 25%-27% so với giai đoạn "hoàng kim" cuối năm 2021, đầu năm 2022. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chỉ ra kinh nghiệm trong dịch COVID-19 là những DN chỉ làm 1 mặt hàng gặp rủi ro nhiều hơn các DN làm nhiều mặt hàng. Ngay trong thời điểm hiện tại, những ngành hàng như may đồng phục, bảo hộ lao động vẫn có đơn hàng ổn định. Về thị trường tiêu thụ, hiện thị trường Mỹ sụt giảm nghiêm trọng trong khi thị trường các nước châu Á ảnh hưởng ít hơn và xuất khẩu sang Nhật ít ảnh hưởng nhất.
"Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Vitas khuyến nghị các DN đa dạng hóa mặt hàng lẫn thị trường. Với châu Âu và những thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do, DN cũng có cơ hội nếu thỏa mãn cam kết về nguyên tắc xuất xứ hàng hóa" – bà Tuyết Mai thông tin.
Một vấn đề khác, theo bà Tuyết Mai, lâu nay ngành dệt may quá tập trung vào xuất khẩu và bán hàng trực tiếp đến DN (B2B), giờ cần tìm cách để có thể bán trực tiếp đến khách hàng (B2C). "Chúng ta có những thương hiệu khá tốt nhưng chỉ loanh quanh trong nước. Cần đưa các thương hiệu này ra quốc tế thông qua sàn thương mại điện tử" – bà Tuyết Mai đề xuất.
Để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định 2615/QĐ-BCT phê duyệt danh sách “DN xuất khẩu uy tín” năm 2021. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, tập trung hướng dẫn DN tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống…
|
Thanh Nhân (theo NLĐ)
Bình luận (0)