Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết: Trong quý II-2016, cả nước có 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp (tăng gần 16.500 người so với quý I). Theo đó, tỉ lệ thất nghiệp ở trình độ CĐ là 6,6% và ĐH trở lên chiếm 4%. Từ thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng cần phát triển các trường nghề chất lượng cao (CLC).
TS. Vũ Xuân Hùng (Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề) khẳng định, để có được nguồn lao động CLC trước hết cần có định hướng và giải pháp phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp CLC đạt tiêu chuẩn khu vực ASEAN và quốc tế.
Theo ông Hùng, đề án phát triển trường nghề CLC đến năm 2020 của Bộ LĐ-TB&XH với mục đích giải quyết nhu cầu lao động có tay nghề cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Qua đó, giúp lao động tự tin khi cạnh tranh về mức lương, cơ hội việc làm với thị trường lao động khu vực và quốc tế.
Khảo sát từ đề án, các trường nghề CLC nhìn chung có diện tích đạt tiêu chuẩn quy định, đảm bảo diện tích phòng học, xưởng thực hành, thư viện, ký túc xá và nơi vui chơi giải trí của học viên. Thiết bị dạy học hiện đại ngang tầm khu vực, đáp ứng nhu cầu đào tạo các nghề trọng điểm. Nhiều trường đã tự sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt. Thế mạnh của các trường này là có được những nghề đào tạo ở cấp độ khu vực và quốc tế. Với đầu ra đảm bảo chất lượng, người lao động có thể tự tin tìm kiếm việc làm ở trong nước hoặc khối ASEAN.
Theo ông Dương Đức Lân (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề), trong gần 500 trường TC nghề, CĐ nghề trên cả nước, có 45 trường CĐ nghề công lập với 34 nghề được chọn để định hướng và tập trung đầu tư phát triển theo tiêu chí trường nghề CLC. Với quy mô đào tạo tối thiểu là 2.000 HS-SV hệ TCN-CĐN, trong đó có ít nhất 30% HS-SV học các nghề trọng điểm. Đây là một lợi thế để các trường đào tạo ra đội ngũ lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước, khu vực ASEAN và cả quốc tế.
Ông Hùng cho rằng, tỉ lệ lao động thất nghiệp sẽ giảm mạnh nếu có biện pháp đổi mới quản lý tại các cơ sở dạy nghề, các trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư phát triển thành trường CLC.
Chương trình dạy nghề theo định hướng năng lực, theo ông Hùng cũng là một hướng đi đúng. Theo đó, căn cứ vào thực tế làm điểm xuất phát của việc xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Để xây dựng được chương trình đào tạo như vậy, việc đầu tiên các trường phải làm là tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp đòi hỏi ở HS-SV tốt nghiệp phải có kiến thức và kỹ năng và thái độ gì; những năng lực, khả năng nào là cần thiết…? Khi chưa có chuẩn đầu ra, các trường tận dụng chương trình khung và tận dụng tối đa sự cho phép thay đổi để xây dựng chương trình cho phù hợp.
T.Anh
Bình luận (0)