Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng trưởng thấp hơn kế hoạch, sức ép lạm phát còn cao

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Ngày 30-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2023, được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.
Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 9, quý 3, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 10 và những tháng còn lại của năm 2023, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo giữa nhiệm kỳ theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Theo dự báo gần đây, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nhật Bản, EU phục hồi yếu hơn, một số nước như Đức tăng trưởng âm. Thương mại, đầu tư quốc tế và nhu cầu ở các thị trường lớn suy yếu; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ; hàng rào bảo hộ gia tăng. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đánh giá tăng trưởng thương mại thế giới giảm từ 5,2% năm 2022 xuống 2% năm 2023. Rủi ro về tài chính, tiền tệ, bất động sản, nợ công gia tăng, nợ toàn cầu ở mức cao nhất từ trước tới nay; niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút…
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2023.
Trong nước, nước ta chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và những vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, kết quả nhìn chung tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.
Chúng ta đạt được mục tiêu tổng quát đề ra: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn (về thu chi, xuất-nhập khẩu, năng lượng, lương thực, lao động) được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên. Chính trị – xã hội ổn định; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín và vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế – xã hội vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức không nhỏ như tăng trưởng thấp hơn kế hoạch; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng…
Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá kỹ, khách quan về bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước; kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 10, quý 4-2023 và thời gian tới. Tập trung phân tích, làm rõ thêm những điểm mới của tình hình như điều hành lãi suất của các nước, giá dầu, lương thực… từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, hiệu quả, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu…
Đặc biệt, theo Thủ tướng, các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực thế nào để nâng cao tính chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra đột phá, đạt kết quả theo yêu cầu và mong muốn.
Trước đó, ngày 29-9, Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi ước tăng 14,1%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,08% so với tháng trước. So với tháng 12-2022, CPI tháng 9 tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%. CPI bình quân quý 3 tăng 2,89% so với quý 3-2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
PHAN THẢO (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)