TP.HCM tiên phong trong phát triển tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững là hướng đi đúng, phù hợp định hướng của Đảng và xu thế thế giới. Quá trình này sẽ lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là những góp ý được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới Net Zero (giảm phát thải ròng bằng 0)”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu trao đổi bên lề diễn đàn
Quy hoạch đô thị cần toàn diện và tích hợp
Tại diễn đàn, bà Lê Thị Thanh Nhàn (giáo sư đại học tại Úc) cho rằng, TP.HCM có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện tăng trưởng xanh, đó là trung tâm kinh tế cả nước, đội ngũ trí thức đông, môi trường cho hợp tác quốc tế lớn, có nhiều ngành dịch vụ, nhiều cơ hội mới cho công nghệ xanh, kinh tế số. Tuy nhiên, TP cũng đang đối diện với các mối đe dọa như biến đổi khí hậu, ưu tiên kinh tế ngắn hạn gây tổn hại cho tăng trưởng bền vững dài hạn, mức sống cao áp lực cho tiêu thụ năng lượng, đô thị hóa nhanh chóng với di cư đô thị, hạ tầng quá tải, hạn chế tài trợ, đất chưa sử dụng còn ít, phụ thuộc lâu dài vào xe máy.
“Để hướng đến phát triển bền vững, TP cần quy hoạch đô thị, trong đó tăng cường các chức năng xã hội và môi trường của đất như phát triển không gian xanh đô thị, môi trường sống tự nhiên, có công viên, khu giải trí cho cư dân và hành lang vận chuyển công cộng. Việc quy hoạch đô thị cần toàn diện và tích hợp. Đó là phát triển nhỏ gọn, sử dụng hỗn hợp để giảm thiểu sự mở rộng đô thị. Phân vùng các khu vực sử dụng hỗn hợp sao cho khu dân cư, trường học, cửa hàng, cơ sở kinh doanh gần nhau, giảm nhu cầu lái xe. Bên cạnh đó, thúc đẩy giao thông công cộng, các khu dân cư thân thiện với người đi bộ và dễ dàng tiếp cận các tiện ích. Xây dựng nhận diện cơ hội tiềm năng năng lượng mặt trời. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp về hiệu quả năng lượng, năng suất và giảm lãng phí năng lượng. Lồng ghép chủ đề phát triển bền vững, biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy của trường học”, bà Nhàn nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng xanh bao trùm hầu hết các khía cạnh của một nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển xanh là một chiến lược bao trùm tất cả các khía cạnh từ vật liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường tới bảo vệ tài nguyên môi trường, nghĩa là bao gồm tất cả các hoạt động và lĩnh vực kinh tế như năng lượng, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững và bao trùm, cần có các gói chính sách tổng thể và cụ thể. “Trong đó, chính sách cụ thể phù hợp với từng ngành, từng vấn đề. Ngoài ra, tăng trưởng xanh cần có sự đóng góp đáng kể của công chúng và người dân trong việc tiết kiệm tài nguyên, giúp cho hoạt động quản lý tài nguyên trở nên dễ dàng hơn”, PGS.TS Duy Nông – Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Năng lượng Ứng dụng – góp ý.
Ông Curt Garrigan – Trưởng ban Phát triển Đô thị Bền vững, ESCAP – nêu ý kiến, các khu vực đô thị phải tham gia để giúp dẫn dắt quá trình chuyển đổi sang phát triển ít carbon và lượng phát thải ròng bằng 0; đồng thời sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và thúc đẩy các phương pháp tiếp cận tuần hoàn trong các lĩnh vực và sinh kế.
Để làm tốt cần có quản trị “đa cấp”, bao gồm chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương và người dân – yếu tố then chốt giúp tất cả các bên liên quan có thể góp phần hiện thực hóa những nguyện vọng đó. Lập kế hoạch là điều cơ bản nếu cộng đồng muốn trở nên kiên cường trước những cú sốc và căng thẳng trong tương lai; công nghệ có thể được tận dụng để nâng cao hiệu quả và thu hút người dân. Đồng thời, xây dựng năng lực tài chính và thể chế để đảm bảo rằng các hành động của địa phương dẫn đến quản lý phát triển tốt hơn có vai trò rất quan trọng đối với một tương lai đô thị bền vững.
Tập trung vào 4 nội dung
Kỳ vọng nhiều vào khung chiến lược kinh tế xanh và cam kết mạnh mẽ, bố trí đầy đủ nguồn lực để chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM – cho biết, khung chiến lược xác định lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm chuyển đổi xanh. TP sẽ tập trung vào 4 nội dung: Nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; Hạ tầng xanh gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm, tuần hoàn tài nguyên; Hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh; Các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.
TP sẽ sớm hoàn thành khung chiến lược phát triển xanh. Nhanh chóng đề xuất ban hành các quy chuẩn dựa trên tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế để có những khung chi phối từ sản xuất đến tiêu dùng, các yếu tố hỗ trợ phát triển xanh. TP cũng nghiên cứu thêm các chính sách để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi xanh, phát triển xanh. Song song đó sẽ cùng triển khai kế hoạch để nâng cao nhận thức trong cộng đồng.
Tham dự diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: “Tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải ròng bằng 0 là một thách thức không nhỏ nhưng cũng tạo ra những cơ hội to lớn. Diễn đàn được coi như một khởi động. Sau diễn đàn, những hành động diễn ra trong thực tế tiếp theo mới quyết định sự thành công. Trong đó, hành động đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân”.
Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, tiêu chí xanh, mô hình thử nghiệm. Trong đó, với đặc thù về đô thị, quy mô dân số, tính năng động của nền kinh tế, TP.HCM là nơi thử nghiệm rất tốt các chính sách thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đặc biệt trong bối cảnh TP có Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển.
Phó Thủ tướng giao, TP.HCM và các địa phương phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và chiến lược từ Trung ương. Các địa phương cần tham khảo để xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế, nguồn lực triển khai…
Về phía doanh nghiệp cần tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới, mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh và hướng đến hiệu quả lâu dài. Sự chậm trễ chuyển đổi sẽ khiến doanh nghiệp tụt hậu xa hơn trong việc đáp ứng nhu cầu khác nhau về tăng trưởng xanh đã và đang ngày càng phổ biến trên thế giới cũng như ngay tại thị trường nội địa.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)