Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tăng tuổi nghỉ hưu, tác động đến hơn 12.000 người lao động ở TPHCM

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu bắt đầu tăng. Việc tăng tuổi nghỉ hưu có tác động ra sao đến người lao động? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM.

Tăng tuổi nghỉ hưu, tác động đến hơn 12.000 người lao động ở TPHCM ảnh 1

Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM

Tác động đến tất cả người lao động

– Phóng viên: Thưa ông, tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 sẽ tăng cụ thể ra sao? Khoảng bao nhiêu lao động trên địa bàn TPHCM bị tác động do tăng tuổi nghỉ hưu?

Ông PHAN VĂN MẾN: Tuổi nghỉ hưu của người lao động được tăng theo lộ trình, chứ không tăng đột ngột. Cụ thể, từ năm 2021, trong điều kiện lao động bình thường, người lao động được nghỉ hưu khi có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Nghĩa là, thời gian làm việc tăng 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến tất cả người lao động ở TPHCM và cả nước. Trong đó, riêng năm 2021, TPHCM dự kiến có hơn 12.000 người lao động đáng lẽ về hưu khi tròn 60 tuổi (nam), hoặc 55 tuổi (nữ), thì giờ đây mỗi người cần làm việc thêm 3-4 tháng nữa.

– Nếu đóng đủ 20 năm BHXH – 1 trong 2 điều kiện để hưởng lương hưu, mức lương hưu của người lao động được hưởng là bao nhiêu?

Với người lao động nghỉ hưu trong điều kiện bình thường, khi đủ điều kiện nghỉ hưu mà có 20 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu ở mức: bằng 55% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đối với lao động nữ; bằng 47% đối với lao động nam nghỉ hưu trong năm 2021 và bằng 45% với nam giới từ năm 2022 trở đi.

– Để được hưởng lương hưu tối đa, người lao động cần đóng BHXH bao nhiêu năm?

Mức hưởng lương hưu tối đa là 75%. Tỷ lệ này cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt bằng chung trên thế giới chỉ khoảng 50%. Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (tương ứng đóng BHXH 15 năm với nữ, 19 năm đối với nam từ năm 2021 và từ năm 2022 trở đi là 20 năm với nam). Sau đó, cứ thêm mỗi năm, được tính thêm 2% và tối đa là 75%. Như vậy, để được hưởng mức tối đa 75%, tương đương lao động nữ cần 30 năm đóng BHXH trở lên; lao động nam cần 34 năm đóng BHXH nếu nghỉ hưu trong năm 2021 và 35 năm đóng BHXH khi nghỉ hưu từ năm 2022.

Tăng tuổi nghỉ hưu, tác động đến hơn 12.000 người lao động ở TPHCM ảnh 2
Việc tăng tuổi nghỉ hưu tác động đến tất cả người lao động. Ảnh minh họa
Nhận “một cục” sẽ bị thiệt thòi

– Trường hợp nào người lao động được nghỉ hưu sớm, hoặc được nghỉ hưu ngay mà không cần đợi đủ tuổi, thưa ông?

Người lao động từ đủ 50 tuổi trở lên khi nghỉ việc và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó, có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò thì được hưởng lương hưu. Trong trường hợp người lao động có HIV/AIDS, đã đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu mà không giới hạn tuổi.

Nếu người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%, thì được nghỉ hưu sớm trước 5 năm. Trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được nghỉ hưu sớm 10 năm. Trường hợp người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm lại bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì được nghỉ hưu ngay, không phân biệt tuổi.

– Trong lúc dịch Covid-19 tác động mạnh, không ít người lao động có tâm lý muốn nhận chế độ BHXH một lần. Giờ đây, tuổi nghỉ hưu tăng, ngày được nhận lương hưu lại phải chờ thêm. Ông chia sẻ gì với người lao động về việc chọn lựa giữa nhận “một cục” hay nhận mãi mãi – lương hưu?

Tôi rất thông cảm với những người lao động gặp khó khăn muốn nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, cần cân nhắc thật kỹ lưỡng lợi, hại của việc nhận “một cục”. Thực tế, nhiều người lao động trước đây muốn nhận BHXH một lần, giờ đây khi về già, hết tuổi lao động, họ lại muốn… trả lại tiền “một cục” đã nhận để “đổi lại” thời gian đã tham gia BHXH nhằm hưởng lương hưu. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định về việc này.

Chính sách BHXH có 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp), trong đó, chế độ hưu trí – lương hưu là quan trọng nhất. Đây là chế độ dài hạn nhằm giúp mỗi người lao động tự chủ được cuộc sống lúc về già, chân yếu tay mềm và giúp đảm bảo an sinh xã hội trên bình diện rộng. Bây giờ, chúng ta còn trẻ, còn làm lụng được, nếu chúng ta nhận “một cục” thì về già, không còn sức lao động thì biết trông cậy vào đâu?

Thực tế, việc nhận BHXH một lần khiến người lao động bị thiệt rất nhiều. Pháp luật không khuyến khích người dân nhận trợ cấp BHXH 1 lần, vì nếu có lương hưu, người già có thể tự chủ cuộc sống của mình. Ngoài tiền lương hưu đều đặn hàng tháng, hưu trí còn được cấp thẻ BHYT trọn đời. Khi qua đời, hưu trí được chế độ mai táng phí và người cũng được hưởng tuất một lần hoặc tuất hàng tháng nếu người qua đời có con dưới 18 tuổi, có cha mẹ già, người bệnh cần chăm sóc.

Trong lúc dịch Covid-19 tác động, nếu nghỉ việc, người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để sau đó có điều kiện đóng tiếp BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện. Như vậy, thời gian làm việc sẽ không bị mất đi mà được cộng nối để tuổi già có thể trông cậy vào lương hưu.

TPHCM có khoảng 2,4 triệu người tham gia BHXH và hơn 236.000 người đang hưởng lương hưu. Nếu người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% (30 năm với nữ, 34 năm với nam trong năm 2021) thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm “dư” ra, mỗi năm đóng được trợ cấp 0,5 tháng lương đóng BHXH.

Theo Mạnh Hòa/SGGP

 

Bình luận (0)