Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng tỷ giá: Gánh nặng thuộc về doanh nghiệp?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Vào những ngày cuối cùng của năm 2010, phần lớn các chuyên gia đều đưa ra dự báo khả quan cho nền kinh tế năm 2011. Chẳng hạn, lạm phát có thể giảm xuống mức 7 – 8%, điều này là cơ hội để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể hạ lãi suất, giảm áp lực thanh khoản và tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn ngân hàng (NH), hơn nữa hoạt động NH cũng sẽ trở nên sôi động và an toàn hơn…

Thế nhưng, tất cả những hy vọng trên đã là thất vọng ngay sau quyết định tăng tỷ giá bình quân liên NH của NHNN từ 18.932 lên 20.693 đồng/USD vào ngày 11/2 vừa qua. Lãi suất tăng cao, tỷ giá vừa có điều chỉnh mạnh, nhiều DN đang cầm cự vay vốn liệu có đi vào ngõ cụt?
Lãi suất – có giảm cũng như không

Tỷ giá biến động gây lo ngại cho nhiều DN – Ảnh: Quý Hòa

Có thể nói, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá tới lạm phát là vấn đề được thảo luận sôi động trong tuần qua. Nói như TS. Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thì về cơ bản, có hai luồng ý kiến trái chiều. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu, do đó đẩy mặt bằng lãi suất lên cao.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc thay đổi tỷ giá sẽ không làm tăng mặt bằng giá vì từ trước đến nay mọi giao dịch liên quan đến ngoại tệ trên thực tế đều áp dụng tỷ giá thị trường. Mặc dù trong mỗi luồng ý kiến đều có phần đúng và phần chưa chuẩn xác, nhưng nhìn chung, việc tăng tỷ giá của NHNN trong thời gian qua đã gây nên nhiều xáo trộn trong hoạt động của DN.
Thực vậy, cho đến thời điểm này, phần lớn DN đã thôi không hy vọng lãi suất cho vay sẽ giảm. TS. Phạm Đỗ Chí diễn giải một cách dễ hiểu là lãi suất VND phụ thuộc lãi suất USD và kỳ vọng về mức lạm phát theo công thức: Lãi suất huy động VND (14%) = lãi suất USD (4 – 5%) + điều chỉnh tỷ giá đã xảy ra (9,3%). Vậy rõ ràng lãi suất huy động VND khó có thể giảm xuống dưới mức 12 – 17% (huy động – cho vay) như mọi người mong đợi từ năm 2010.
Và chuyện lãi suất không thể giảm nghiễm nhiên đang trở thành sự thật vì hầu hết những người điều hành NH đều khẳng định, về lý thuyết, phải giảm lạm phát mới giảm được lãi suất. Với quan điểm riêng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc NH VPBank thừa nhận, lãi suất cho vay khó lòng giảm trong thời gian tới.
Bởi vì, cứ nhìn vào lãi suất huy động thực tế của các NH có lẽ ai cũng hiểu lãi suất cho vay không thể giảm trong một sớm một chiều, nếu không nói là lãi suất có xu hướng tăng thêm. Điều này cũng có nghĩa DN và nền kinh tế tiếp tục phải chịu lãi suất cao thêm một thời gian.
Còn nói như ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT NH Liên Việt, cho dù nhu cầu cho vay những tháng đầu năm không cao, nhưng nhu cầu này sẽ bắt đầu tăng dần.
Cùng lúc đó, nếu áp lực lạm phát ngày càng lớn, NHNN có giảm lãi suất cơ bản thì các NHTM vẫn có thể phải tìm cách duy trì mức lãi suất huy động cao để thu hút vốn. Do đó, nếu khả năng giảm lãi suất trong vài tháng tới trở thành hiện thực thì mức giảm khó có thể lớn và tác động thực tế khó có thể kéo dài.
Qua khảo sát, đại đa số những người làm NH đều cho rằng, các giải pháp điều hành của NHNN áp dụng trong gần ba năm qua (trong đó có trần lãi suất huy động) hiệu quả đạt được không cao.
Vì thế, cần phải tìm giải pháp khác mới mong lãi suất hạ nhiệt. Một lãnh đạo NH đề xuất, có thể hạ nhiệt cuộc đua lãi suất bằng cách giảm bớt nhu cầu vốn từ các NH cần vốn, cụ thể là siết hoạt động cho vay thông qua tăng hệ số an toàn vốn (tỷ lệ giữa vốn tự có của NH với tổng tài sản có rủi ro).
Các NH cần vốn để cho vay nhưng không huy động được, từ đó tăng lãi suất quá mức để gọi vốn khiến mặt bằng lãi suất bị phá vỡ. Lý thuyết này đang đúng với tình hình hiện tại.
Từ thực tế đó, rõ ràng lãi suất giảm là chuyện khó có thể xảy ra, mà nếu lãi suất có giảm thật, thì điều này chưa hẳn mang lại niềm vui tới DN. Nói thế bởi áp lực lạm phát hiện nay ở Việt Nam bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố từ bên ngoài như sự gia tăng nhanh chóng của giá cả hàng hóa và nguyên liệu thô.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), từ đầu năm 2009, giá hàng hóa nguyên liệu thô chẳng những phục hồi mà tăng rất nhanh, trong đó có những loại nguyên liệu thô như nông sản tăng từ mức chỉ số 90 lên mức trên 150, một mức tăng đến hơn 200%.
Một khi lạm phát tăng cao có phần đóng góp quan trọng của yếu tố giá cả nguyên liệu toàn cầu tăng cao, đẩy giá hàng nhập khẩu và nguyên liệu cho đầu ra của xuất khẩu ở Việt Nam tăng, chứ không phải chỉ là do yếu tố lãi suất cao chuyển vào giá thành cao. Vì lẽ đó, người ta e ngại rằng lãi suất giảm sẽ không giúp ích cho việc chống lạm phát mà cũng không hỗ trợ đáng kể cho DN.
Một thực tế khác là những nước duy trì lãi suất ở mức rất thấp trong lịch sử như Mỹ và Anh vẫn có tình trạng DN thiếu vốn và NH không cho vay nhiều.
Điều này cho thấy tác động của giảm lãi suất không có nghĩa là DN có thể tiếp cận tín dụng dễ dàng và rẻ hơn. Ngược lại, giảm lãi suất có thể tác động xấu đến lạm phát và sự e ngại của giới quan sát và phân tích quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam. Điều này có thể tác động tiêu cực tới dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đây cũng là một rủi ro tiềm ẩn nếu Chính phủ hạ lãi suất trong khi lạm phát chờ tăng cao.
Chi phí từ lạm phát quá lớn
Trong thông cáo phát đi vào chiều ngày 19/2, NHNN khẳng định không thiếu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu nhằm phục vụ yêu cầu lưu thông và dự trữ.
Như vậy, về mặt lý thuyết, có thể thấy rằng việc phá giá đồng nội tệ sẽ giúp cho hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh tốt hơn hàng của nước ngoài, điều này sẽ kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu bằng việc sử dụng hàng nội địa có giá thấp hơn.
Quan điểm này về mặt vĩ mô, đối với các khoản nợ của Chính phủ thì đúng, nhưng đối với các DN thì chưa hoàn toàn đúng. Đặc biệt ở các DN xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nhưng nguyên liệu sản xuất lại phải nhập từ nước ngoài.
Quả thực, thời điểm thay đổi tỷ giá vừa qua được coi là “đòn đau” đối với các nhà sản xuất phụ thuộc nhập khẩu. Nếu lấy số liệu năm 2010 thì mức nhập khẩu lên đến 84 tỷ USD trên 102 tỷ USD GDP, quan trọng nhất là trong đó chỉ 10% là hàng tiêu dùng, 20% là trang thiết bị, máy móc, còn lại khoảng 70% là đầu vào cho hoạt động kinh tế như xăng dầu, sắt thép, bông sợi…
Đầu vào tăng cao khiến các DN nhập nguyên liệu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất – kinh doanh, thậm chí có nhiều DN lợi nhuận làm ra cả năm không đủ bù đắp khoản chênh lệch tỷ giá, mà đôi khi vấn đề này còn phụ thuộc vào chế độ hạch toán. Tiêu biểu cho trường hợp này là công ty chuyên sản xuất composite tại TP.HCM.
Giám đốc công ty này nói rằng, doanh thu năm 2010 tăng trưởng 50%, lợi nhuận trên 10%, nhưng do chuyện thiệt thòi từ tỷ giá, cộng với giá nguyên liệu tăng theo biến động tỷ giá, công ty mất hơn 10 tỷ đồng. Khoản lỗ đó sẽ tiếp tục tăng thêm trong năm 2011 khi phía cung ứng nguyên liệu thông báo tăng giá lên 6%, mức tăng được áp dụng ngay trong những ngày đầu năm mới này.
Ông Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Lidovit kể rằng, do là ngành cơ khí công nghệ cao, nguyên liệu sản xuất trong nước đáp ứng không được, nên bắt buộc Công ty phải nhập khẩu tới 70% vật tư, nguyên liệu. Nếu tính theo tỷ giá hiện tại, cứ 1USD mua vào, công ty mất đi 1.000 đồng. Ông Hiệu làm bài toán là một năm Lidovit nhập khẩu 5.000 tấn thép, thanh toán hết 4 triệu USD, thì ông mất toi 4 tỷ đồng.
Tỷ giá tăng cũng không mấy dễ dàng đối với bà Ngô Hoàng Châu, Giám đốc Công ty Thanh Châu. Theo bà, chuyện tỷ giá tăng là điều hầu hết DN đã dự đoán từ trước. Thế nhưng, tăng mạnh và tăng nhanh như hiện nay thật sự không ai lường trước và gây không ít khó khăn cho DN.
“Từ giữa năm 2010 đến nay, để có USD nhập hàng, chúng tôi buộc phải mua USD chợ đen và bán lại cho NHTM để thực hiện thanh toán. Như vậy, chúng tôi đã phải mua giá USD cao và thanh toán với giá thấp mà không có hóa đơn chứng từ nào.
Chẳng hạn, khi giá USD của NHNN quy định là 20.600 đồng thì giá chợ đen đã lên 21.600 đồng. Việc chênh lệch giá này chúng tôi không thể nào chứng minh trong hồ sơ sổ sách. Là một DN nhập khẩu thép đặc chủng (thép sản xuất khuôn mẫu), chúng tôi đành phải hạn chế lượng hàng nhập khẩu, chờ xem tình hình như thế nào rồi mới tính tiếp”, bà Châu nói.
Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tỷ giá tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến CPI, tác động đến lạm phát bởi các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu được tính theo tỷ giá mới. Và một khi tỷ giá biến động mạnh, không ít đơn vị nhận ra rằng, có tiền cũng chưa giải quyết được vấn đề.
Một số chuyên gia độc lập thì nhận xét có phần khắt khe hơn, với họ, năm 2011, lạm phát khó thể dừng mức 7%. Hơn nữa, việc Nhà nước phá giá đồng nội tệ không giúp tỷ giá giữa hai thị trường kéo lại với nhau mà ngày càng bị đẩy ra xa hơn, chứng tỏ chính phủ đang bất lực trong việc khống chế thị trường tự do.
Cụ thể, giá USD tự do ngày 20/2 ở mức 22.400 đồng, tăng 1.200 đồng so với thời điểm phá giá cách đây 1 tuần, tức là giá USD tự do tăng 6%. Khả năng giữa hoặc cuối năm nhà nước sẽ phá giá từ 5 – 7% tỷ giá là có thể.
Theo DNSG

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)