Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng viện phí: Mong chất lượng khám chữa bệnh cũng phải tăng!

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 1-3, gần 1.900 dịch vụ y tế bắt đầu tăng giá. Những ngày này, ghi nhận của chúng tôi tại các bệnh viện (BV) cho thấy, không ít bệnh nhân tỏ ra lo lắng với mức viện phí mới. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành y tế khẳng định: Viện phí tăng nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh…

Trước mắt người không có thẻ BHYT sẽ chưa phải trả giá viện phí mới

Người bệnh nặng hoang mang

Theo thông tư liên Bộ Y tế – Tài chính, từ ngày 1-3, tất cả các BV đều điều chỉnh giá viện phí theo khung giá mới, với mức tăng bình quân khoảng 30% so với giá cũ do cộng phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và phụ cấp trực vào viện phí. Riêng tại 9 BV TW (Mắt TW, Chợ Rẫy, Răng hàm mặt TW (TP.HCM), Răng hàm mặt TW (Hà Nội), Tai mũi họng TW, Phụ sản TW, Việt Đức, Nội tiết TW và Bạch Mai) được Bộ Y tế cho phép tăng 50%.

Ngày 3-3, có mặt tại Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai, chúng tôi ghi nhận, bên cạnh bảng giá viện phí cũ với gần 900 dịch vụ là bảng giá viện phí mới được kê chi tiết với gần 1.900 dịch vụ.

Chăm chú theo dõi bảng giá viện phí mới, ông Vũ Hồng (52 tuổi), đưa con từ Đồng Hỷ, Thái Nguyên vào BV Bạch Mai để điều trị bệnh viêm gan B, tỏ ra lo lắng: “Trước đây mỗi lần điều trị cũng đã ngốn hết tiền triệu rồi, đặc biệt là tiền thuốc. Giờ viện phí tăng lên đến 50% thì gia đình tôi có nước chỉ bán nhà mà chữa bệnh cho con”.

Từ 7 năm nay, bà Hoàng Thị Hồng (49 tuổi, Nam Định) chạy thận nhân tạo tại BV Bạch Mai. Theo đó, bà phải thuê nhà trọ gần Bến xe Giáp Bát (cách BV Bạch Mai khoảng 5km) để tiện điều trị. Những ngày không chạy thận, bà bán nước chè ở đầu khu trọ để kiếm tiền phụ cùng gia đình trả tiền thuốc. Khi được tin giá viện phí tăng, bà Hồng không khỏi lo lắng: “Dù có thẻ BHYT chi trả cho 95% nhưng trước kia mỗi lần chạy thận cũng tốn hết cả triệu đồng, lại còn tiền nhà, tiền ăn rồi tiền thuốc men nữa. Bây giờ tăng nên lo không có tiền để điều trị”.

Cũng như nhiều bệnh nhân khác, bà Hồng chỉ mong khi viện phí tăng thì chất lượng khám chữa bệnh cũng phải tăng theo để người bệnh bớt vất vả mỗi khi đi khám chữa bệnh…

“Tăng nhưng không gây xáo trộn nhiều”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Hiền –  Phó Giám đốc BV Bạch Mai khi được hỏi về vấn đề này. Theo ông Hiền, trong lần điều chỉnh giá viện phí này, người nghèo và người có thẻ BHYT là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. “Đợt tăng lần này chỉ áp dụng với đối tượng có thẻ BHYT – chiếm khoảng 75% tổng số người bệnh. Đối với người bệnh khám theo yêu cầu, không có thẻ BHYT thì trước mắt vẫn áp dụng mức giá cũ. Do vậy, tỉ lệ đối tượng chịu tác động cũng không nhiều”.

Ông Hiền cũng cho hay, khi viện phí tăng, người dân sẽ được hưởng nhiều hơn từ việc sẽ được đặt đúng vị trí là người trả tiền cho các dịch vụ khám chữa bệnh, còn BV chỉ là người phục vụ. “Các BV sẽ phải có ý thức để tăng chất lượng khám chữa bệnh, thái độ phục vụ sao cho tương xứng với mức giá viện phí mà người dân phải đóng”, ông Hiền nói.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế – cho biết: “Trong tương lai, đối tượng không có thẻ BHYT cũng sẽ phải chịu mức giá viện phí mới. Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn người dân tham gia BHYT, đặc biệt là tham gia theo hộ gia đình để được giảm mức đóng. Điều này chỉ có lợi cho người dân dù mức viện phí có tăng”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)