Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tăng viện phí, người nghèo không dám đến viện?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
 “Vốn là nông dân cứ nghĩ đến việc đi viện là đã thấy đã tốn kém, chật vật rồi. Thông thường chúng tôi đâu có đủ điều kiện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Giờ viện phí mà tăng thì những người dân như chúng tôi lại càng thêm khó khăn rồi”.

Theo dự thảo mới nhất của Bộ Y tế, khoảng 350 dịch vụ y tế (trong tổng số hơn 3.000 dịch vụ, kỹ thuật y khoa) sẽ tăng giá mạnh. Liên quan đến toàn xã hội, vấn đề dân sinh đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, PV Nguoiduatin.vn đã đến Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện lớn thuộc tuyến TƯ để có cơ hội trực tiếp nghe ý kiến của nhiều người nhà và bệnh nhân đang chữa trị tại đây.
“Người nghèo không dám đến bệnh viện”
Đến bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi không khó để bắt gặp cảnh người nhà và bệnh nhân la liệt ngoài khuôn viên, trên lối đi, hành lang… chờ đợi đến lượt vào khám bệnh. Thấy một người phụ nữ đang ngồi lúi húi sắp xếp lại các loại giấy tờ, phim chụp, xung quanh là lỉnh kỉnh đồ đạc, tôi liền đến bên tiếp bắt chuyện với chị.
Hỏi ra mới biết, chị tên là Nguyễn Thị Tăng, nhà ở xóm Cầu, Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên. Chị Tăng lên bệnh viện Bạch Mai để khám về căn bệnh sỏi thận và được hẹn mổ vào tuần sau. Giật thót mình khi tôi nhắc đến ba chữ “tăng viện phí” chị dồn dập hỏi: Khi nào nhà nước tăng, tăng tiền khám chữa bệnh thì khó khăn cho dân nghèo chúng tôi lắm!”.
Chị Nguyễn Thị Tăng lo lắng trước những chi phí cho ca mổ sắp tới
Sau khi được trấn tĩnh rằng đây mới đang là đề xuất chị mới từ từ chia sẻ: “Vốn là nông dân cứ nghĩ đến việc đi viện là đã thấy đã tốn kém, chật vật rồi. Thông thường chúng tôi đâu có đủ điều kiện mà đến các bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bệnh cứ phát ra, đau quá thì mới đến viện, đến rồi,khám bệnh nọ, lại ra bệnh kia, bao nhiêu là khoản cứ chồng chất. Giờ viện phí mà tăng thì những người dân như chúng tôi lại càng thêm khó khăn rồi”.
Khi đề cập việc Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ cho người dân và đề xuất tăng viện phí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các đối tượng được hưởng bảo hiểm, thì chị Tăng gạt tay: “Có phải ai cũng đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm. Ở nông thôn, nhiều gia đình ăn còn chả đủ, lấy đâu ra tiền đóng bảo hiểm”.
“Tăng viện phí thì người nghèo chắc không dám đến bệnh viện, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo, những người phải phẫu thuật… có lẽ chỉ ở nhà chờ chết thôi. Cứ nghĩ đến khoản tiền viện phí cùng chi phí cho hai cha con mỗi lần đưa cha tôi ra đây để truyền hóa chất điều trị ung thư phổi mà tôi đau hết cả đầu.” – Anh Nguyễn Văn Duẩn (Tiền Huân, Viên Sơn, Sơn Tây) cũng rầu rĩ chia sẻ.
Tăng viện phí, tăng chất lượng, y đức?
Bác Nguyễn Thọ Hòa (Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội,) hiện có người nhà bị suy nhược cơ thể đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trao đổi rất cởi mở trước câu hỏi của tôi.
Bác Hòa cho hay: “Tăng viện phí thì chất lượng phụ vụ và y đức của nhiều y bác sĩ liệu có tăng hay không? Hiện nay tôi thấy người ta kêu ca quá nhiều về chất lượng phục vụ và y đức của nhiều bệnh viện. Vì vậy, song song với việc tăng viện phí, thì những điều bức xúc trên cũng cần được giải quyết. Như thế, mọi người dù có mất tiền hay mất nhiều tiền mà được phục vụ tốt thì cũng an tâm và không phải chịu nhiều bức xúc.
Cảnh các người nhà và bệnh nhân chờ vào thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai
Bên cạnh đó, nếu tăng viện phí thì cơ hội khám chữa bệnh cho những người nghèo và cận nghèo sẽ bị thu hẹp lại. Với mức viện phí như hiện nay, nhiều gia đình còn không cáng đáng nổi huống chi là tăng lên. Vì thế tôi nghĩ, nếu viện phí tăng thì tăng vừa phải, tăng trong mức chịu đựng được của người dân, chứ nếu tăng cao quá, dân không dám đến bệnh viện mà chỉ đành nằm ở nhà và cam chịu số phận mà thôi.
Giá cả thị trường và nhiều chi phí khác đang tăng chóng mặt từng ngày, tất nhiên không thể ỷ hết cho nhà nước bao cấp được. Tôi nghĩ có thể chia ra làm hai mức viện phí, một là mức cho những người có tiền, những người khá giả, hai là mức dành cho những đối tượng như công nhân, người lao động, nông dân, những người nghèo. Nhà nước cần xem xét kỹ hơn đề xuất này và chú ý đến người nghèo”.
Việc dự kiến tăng viện phí, đại đa số là tăng từ 5-10 lần, đang gây xôn xao dư luận. Trên đây là ý kiến của một số người nhà và bệnh nhân, những người đang trực tiếp tham gia chữa bệnh và chi trả viện phí. Còn ý kiến của bạn, bạn có thấy tăng viện phí vào thời điểm này cũng như mức tăng viện phí gấp nhiều lần như trên là hợp lý.
Theo Phạm Hạnh
(Nguoiduatin.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)