Thị trường các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) hiện là đối tác thương mại công nghiệp quan trọng lớn thứ 4 của Việt Nam (xếp sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc). Dù có nhiều ưu đãi, tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa chú trọng khai thác nội khối để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.
Đây là thông tin đưa ra tại hội thảo “Thị trường ASEAN và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN” do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi phối hợp với Trung tâm Hội nhập quốc tế TPHCM tổ chức ngày 26-6 tại TPHCM. Hội thảo cũng kết nối trực tuyến với 11 thương vụ Việt Nam tại các nước để bổ sung thông tin, giải đáp thắc mắc cho các DN.
Dệt may là một trong những mặt hàng vẫn còn khả năng xuất khẩu vào thị trường ASEAN.
Kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN giảm 14%
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt 57,6 tỷ USD, chiếm 12% trong tổng số kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. ASEAN là thị trường không khó tính như các nước phát triển khác tại Đông Bắc Á, EU, Hoa Kỳ. Các nước ASEAN có thể nhập khẩu đa dạng các nhóm mặt hàng, phù hợp với sức cạnh tranh của các DN Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn được đánh giá sẽ là cửa ngõ để EU đến với ASEAN khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) dự kiến sẽ có hiệu lực sớm trong tháng 7 hoặc tháng 8-2020. Đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam phát triển quan hệ thương mại với các nước ASEAN.
Trong lĩnh vực thương mại, Việt Nam và các nước ASEAN đã thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) năm 2010 và đang thực hiện cắt giảm thuế quan. So với các hiệp định khác, cam kết cắt giảm trong ATIGA là cao nhất và nhanh nhất. Việt Nam đã hoàn thành lộ trình cắt giảm vào năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong toàn ASEAN đạt hơn 98,6%. Với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3.111 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm, ASEAN được xem là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới.
Trên thực tế, dù có nhiều ưu đãi, lợi thế về địa lý nhưng ASEAN cũng mới chỉ được xem là thị trường “cơ hội”, “tiềm năng”, đại đa số các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác tốt để gia tăng lượng hàng xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN hiện tại là thấp nhất so với các nước trong khu vực. Trong 100% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, mới chỉ khoảng 10% vào thị trường ASEAN (năm 2016), trong khi trung bình của ASEAN là 24% xuất khẩu vào mỗi khối. Đến năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trong nội bộ ASEAN có tăng lên 11,7% nhưng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng như mong muốn.
Đáng lo ngại hơn, trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và ASEAN đạt khoảng 21 tỷ USD, trong đó xuất khẩu chỉ đạt 9,3 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến kim ngạch 2 chiều giảm mạnh là do tác động của dịch Covid-19. Theo phân tích của ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, xuất khẩu gạo sang Philippines và Singapore vẫn tăng trưởng nhưng xuất khẩu thủy sản giảm, đặc biệt là cá tra giảm mạnh tại Thái Lan, giảm 23%, Malaysia giảm 22% và Singapore giảm 27%. Nhóm chế biến chế tạo giảm 16,8% trong những tháng đầu năm, trong đó nhóm sản phẩm chủ lực như máy móc thiết bị, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính và linh kiện bị giảm khá mạnh. Tương tự, nhóm vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh tại tất cả các mặt hàng vì các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng đều bị gián đoạn, đình trệ bởi chính sách phong tỏa xã hội tại một số quốc gia ASEAN.
Nâng chất để nắm bắt cơ hội
Nhìn nhận về khả năng tăng lượng hàng xuất khẩu và thâm nhập thị trường ASEAN, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng, kim ngạch xuất khẩu giảm do dịch Covid-19 là chuyện không thể tính trước được. Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời và không ai dám khẳng định đến khi nào mới tới đỉnh dịch, chấm dứt dịch. Điều này đã tác động rất mạnh đến kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các DN. Hiện có những DN đã chuẩn bị sẵn đơn hàng xuất khẩu cho đối tác nhưng buộc phải để lại vì nhiều lý do bất khả kháng. Mặt khác, sức mua của các nước ASEAN giảm, đặc biệt đối với nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu, cũng chính là nguyên nhân khiến xuất khẩu bị co lại.
Tuy nhiên, còn một lý do rất quan trọng khiến xuất khẩu của Việt Nam vào nội khối tăng trưởng rất chậm. Theo ông Hưng, DN Việt Nam có tầm cỡ chưa chú trọng xuất khẩu vào ASEAN, các DN xuất khẩu thì chủ yếu là DN nhỏ và vừa, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, phù hợp với thị trường Lào, Campuchia, Myanmar. Trong khi đó, hàng vào ASEAN còn phải cạnh tranh quyết liệt với hàng công nghệ cao của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Kết quả khảo sát về nhân lực, trình độ của các DN Việt Nam và trong khu vực cách đây không lâu cho thấy, Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm, trong khi Malaysia là 5,59 điểm, Thái Lan là 4,94 điểm… Trình độ sản xuất chưa cao đã làm cho khả năng đa dạng hóa sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường kém.
Theo khuyến cáo của bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, để tận dụng tốt nhất cơ hội về thuế quan, tăng lượng hàng xuất khẩu vào nội khối thì hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo các quy tắc xuất xứ và thủ tục chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, một hàng hóa được coi là có xuất xứ ASEAN nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ trong khu vực ASEAN; hoặc đáp ứng được các yêu cầu cụ thể về quy tắc xuất xứ trong hiệp định tại phụ lục 3 – Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.
Đã đến lúc các DN cần cập nhật và nắm chắc các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất và bảo quản, chú trọng tới bao bì, mẫu mã, quy cách đóng gói. Trong quá trình xuất khẩu, cần chủ động tìm hiểu và tự giải quyết những vấn đề phát sinh; kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng và các thương vụ Việt Nam tại thị trường để được hỗ trợ, tư vấn. Liên tục cập nhật các xu hướng tiêu dùng, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm hợp tác với các nhà phân phối uy tín bản địa để có thể đưa hàng Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập kinh tế TPHCM: Thị trường gần, thuận lợi cho xuất khẩu
ASEAN đông dân với đời sống của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt. Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN rất thuận lợi do khoảng cách địa lý gần. Điều quan trọng, Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh cung ứng nguyên liệu, vốn, công nghệ kỹ thuật cao. Vấn đề còn lại là tự thân mỗi DN cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động, sáng tạo nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguời tiêu dùng. Thực tế cho thấy, sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị khu vực hay chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu chúng ta không liên tục thay đổi để làm mới sản phẩm, cũng có nghĩa là bị tụt hậu, bị đào thải.
Bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi: Nông sản Việt có nhiều cơ hội
Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu các nhóm mặt hàng như hàng chế biến, chế tạo, điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt may, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông thủy sản, cà phê, chè, vật liệu xây dựng… Đặc biệt mặt hàng gạo, thị trường ASEAN chiếm hơn 50% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã dự thầu cung cấp tối đa 300.000 tấn gạo G2G cho Philippines, dự kiến nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này trong năm 2020 và 2021 tiếp tục tăng cao do sản lượng nội địa giảm; chúng ta cũng dự kiến ký kết MOU về gạo song phương với Singapore, hàng tháng phía bạn sẽ mua 7.000 – 8.000 tấn gạo trong vòng 2 năm, do vậy triển vọng xuất khẩu gạo vào thị trường trong ASEAN là rất lớn.
|
THÚY HẢI (theo SGGP)
Bình luận (0)