Ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” năm nay được tổ chức tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở; góp phần tạo bứt phá cho một số lĩnh vực công nghệ mà Việt Nam có thế mạnh và chứng tỏ được sự thu hút đầu tư như: Công nghệ giáo dục, công nghệ y tế, công nghệ tài chính…
Ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ) phát biểu tại buổi phát động ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2023”
Ngày hội “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” (Techfest 2023) vừa qua được phát động bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ (Bộ Khoa học – Công nghệ), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia cùng một số đơn vị khác.
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở
Theo đó, Techfest 2023 sẽ thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ ẩm thực gắn với phát triển du lịch và khai thác tài nguyên bản địa, những sản phẩm đặc trưng của địa phương; giải pháp về an ninh lương thực toàn cầu, gắn kết nguồn cung lương thực của Việt Nam với nhu cầu của thế giới. Đồng thời, phát triển các nền tảng trực tuyến, thương mại điện tử và mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ tiếp cận thị trường, tạo đột phá cho việc bán sản phẩm của địa phương. Bên cạnh đó, hai nhóm vấn đề mới cũng được đặt ra tại Techfest 2023. Thứ nhất là các giải pháp, nền tảng logistics phục vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng trong những trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Thứ hai là các công nghệ về năng lượng sạch đảm bảo phát triển bền vững.
Techfest đã tạo lập được hệ thống và mô hình tổ chức tại các địa phương. Qua đó, hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với chính quyền để đặt hàng, giải quyết vấn đề của địa phương, tạo công ăn việc làm và cơ hội phát triển kinh tế cho người lao động dựa trên chính tài nguyên, nguồn lực của quê hương mình. Techfest năm nay quy tụ hơn 30 làng công nghệ, sẽ tập trung giải quyết vấn đề của các lĩnh vực nhiều tiềm năng như nông nghiệp thông minh, dược liệu sạch, chuyển đổi số… Các hoạt động đổi mới sáng tạo mở cũng được thúc đẩy phát triển ngay trong hoạt động của các làng công nghệ.
Cho rằng các hoạt động của Techfest ngày càng được mở rộng, ông Trần Văn Tùng (Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ) mong muốn những kết quả đã đạt được thời gian qua sẽ tiếp tục được phát huy. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì mô hình hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động của các làng công nghệ đến từng địa phương, từng tổ chức giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của những nơi này. “Bộ Khoa học – Công nghệ luôn đồng hành cùng các bộ, ngành, Đoàn Thanh niên, hội phụ nữ… và tất cả các địa phương 63 tỉnh thành để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia” – Thứ trưởng nói.
Techfest 2023 cũng sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động kết nối quốc tế, tăng cường hợp tác với các cường quốc về công nghệ như Úc, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư, giới thiệu, quảng bá về hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, sáng tạo của Việt Nam.
Phối hợp Bộ GD-ĐT đào tạo về khởi nghiệp
Ngoài các hoạt động trọng tâm của Techfest như cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, kết nối đầu tư… thì Bộ Khoa học – Công nghệ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT để có các giải pháp nâng cao năng lực chuyên sâu cho các chủ thể của hệ sinh thái, đặc biệt là các doanh nhân khởi nghiệp và hệ thống các vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Những chương trình đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp sáng tạo từ hệ thống các trường phổ thông để cung cấp kiến thức, kỹ năng cho lực lượng doanh nhân tương lai; những chương trình quốc tế về cách thức vận hành, phát triển các tổ chức hỗ trợ sẽ được chuyển giao cho địa phương thông qua Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học – công nghệ, Bộ Khoa học – Công nghệ) cho hay, cục sẽ phối hợp các đơn vị tiếp tục triển khai, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo mở trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong kỳ Techfest 2023. Cục trưởng nhìn nhận, những thách thức mà chúng ta đang đối mặt có thể cảm nhận được hằng ngày như nền nhiệt hiện đang nóng lên, hạn hán; những tác động lên sức khỏe con người, lên cây trồng ngày càng rõ nét. Đây là thách thức vừa mang tính toàn cầu, vừa mang tính quốc gia lẫn địa phương.
Ông Quất cho rằng, đổi mới sáng tạo mở là định hướng rất đúng nhưng cần sâu hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn trong cách triển khai. Theo đó, các làng công nghệ phải kết hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra những đặt hàng cụ thể. Nhiều nước đã đưa ra những vấn đề, thách thức rất cụ thể trong từng lĩnh vực mà người dân, xã hội, địa phương, doanh nghiệp đang phải đối mặt; từ đó huy động trí tuệ của các viện nghiên cứu, các trường ĐH, các vườn ươm, tổ chức trong và ngoài nước chung tay giải quyết.
Cục trưởng nhấn mạnh, có những giải pháp đã làm tốt ở nước ngoài nhưng cần “nội địa hóa”, “địa phương hóa” để triển khai. Có những giải pháp chúng ta đã triển khai nhưng toàn cầu lại chưa biết đến thì cần có cách tổ chức để các làng công nghệ phát hiện ra vấn đề, phát hiện người có khả năng giải quyết vấn đề và tổ chức kết nối nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế để giải quyết.
Thục Trân
Bình luận (0)