Không ít phụ huynh có con sắp vào lớp 1 băn khoăn: “Tại sao ở mẫu giáo trẻ đã được làm quen với con chữ, vậy mà khi vào lớp 1 trẻ vẫn gặp nhiều rào cản và không thích thú gì khi nói đến chuyện học bài, luyện chữ”.
Theo tác giả, hành trang bước vào lớp 1 rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến quá trình học tập sau này của trẻ (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Thực tế thì với độ tuổi lên 6, trẻ rất ngỡ ngàng với một môi trường mới, với những thay đổi mà hoạt động chủ đạo bây giờ là học tập chứ không còn là vui chơi, nhảy múa nên khiến cho nhiều em khó thích ứng. Hiện tượng trẻ mất hứng thú học tập, sợ sệt, khóc lóc… thường diễn ra trong những ngày đầu đi học. Làm sao có thể giúp trẻ tự tin với việc học tập, tự tin giao tiếp, chủ động xây dựng mối quan hệ bạn bè là rất cần thiết cho quá trình hoàn thiện nhân cách của các em.
Kỳ vọng, quan tâm thái quá dẫn đến bất cập
Hè năm ngoái, sau khi con trai kết thúc chương trình mầm non, chị Bích Hằng (Đồng Nai) phấn khởi chuẩn bị cho con những điều kiện tốt nhất để vào lớp 1. Theo đó, chị Hằng quyết định cho con học thêm ngày hè tại nhà cô giáo dạy tiểu học, mục đích chính là giúp con làm quen với môi trường mới, cốt sao con không bị lạ lẫm với cách sinh hoạt, học tập, làm quen với bạn bè và cô giáo mới. Tuy nhiên, kỳ vọng của chị Hằng đã trở nên thất vọng sau 10 ngày học thêm. Tâm trạng của con chị thất thường so với thời gian trước đây, có lúc ngồi trầm ngâm không nói gì, có lúc lại la hét, khóc lóc. Em không hào hứng với chuyện học, bởi mỗi ngày em làm hàng chục bài toán, phải thực hiện các hoạt động như đọc và rèn chữ theo yêu cầu của cô giáo, phải đi học đúng giờ… Thời gian vui chơi không nhiều, hầu như liên tục phải học và chấp hành theo yêu cầu của phụ huynh gửi con cho giáo viên. Trước khi đến trường học chính thức, con trai của chị Hằng đã phải đối mặt với quá nhiều tầng áp lực từ kỳ vọng của ba mẹ, trách nhiệm dạy dỗ của giáo viên, tâm lý lo sợ bạn bè… khiến cho việc học hè và quá trình chuẩn bị tâm lý cho con đến trường của chị Hằng thiệt đơn, thiệt kép.
Nguyên nhân nào?
Chuyện học thêm ngày hè chuẩn bị vào lớp 1 của con trai chị Hằng luôn là vấn đề nan giải cho sự ổn định tâm lý của trẻ. Chỉ vì muốn cho trẻ thích ứng tốt với môi trường mới nên không ít phụ huynh đã cho con đi học thêm cả kiến thức, kỹ năng, mong con càng vững vàng tâm lý để bước vào lớp 1. Cũng khó trách cứ cô giáo ở thời điểm dạy thêm này, bởi trong khoảng thời gian ngắn cô chưa nắm bắt được tâm lý của các em, nhất là những em “cá biệt”. Không ít giáo viên xem việc trẻ khóc lóc, sợ sệt, không muốn học bài là trạng thái tâm lý bình thường nên cứ để việc này diễn ra, ít có sự điều chỉnh, thay đổi để trẻ thích ứng. Trong khi đó, một số phụ huynh chưa thực sự hợp tác chặt chẽ với giáo viên để thống nhất cách quản lý, giáo dục trẻ, dẫn đến tâm lý quá kỳ vọng của phụ huynh với thực tế diễn biến tâm lý của trẻ, từ đó họ có thái độ chưa tích cực với giáo viên nên tạo hiệu ứng không tốt với trẻ.
Các bậc phụ huynh cần nhận thức đầy đủ rằng: Ở lứa tuổi bắt đầu vào lớp 1, sự lo lắng của trẻ tập trung vào những trở ngại khi thay đổi môi trường học mới. Ở mẫu giáo, các em vui chơi là chính, còn khi lên lớp 1, hoạt động chủ yếu là học tập. Bên cạnh đó, các em phải ngồi ngay ngắn tại chỗ, khuôn phép hơn với các quy chuẩn của nhà trường. Điều đó làm nảy sinh những rối nhiễu tâm lý ở lứa tuổi này cũng cần được phụ huynh chú ý. Nhiều trường hợp trẻ rơi vào các trạng thái rối nhiễu cơ thể như đau bụng, đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, hoảng loạn, sợ hãi, rối loạn giấc ngủ… Một số trường hợp rơi vào các biểu hiện của rối loạn từ chối đến trường – một rối loạn chiếm đến 5% trẻ cùng độ tuổi và 8% nếu tính trong suốt thời gian đi học.
Đặc biệt, một bộ phận giáo viên vì áp lực nuôi dạy trẻ và muốn “ghi điểm” với phụ huynh nên chỉ chú ý đến việc luyện bài cho trẻ, ít quan tâm đến việc tổ chức cuộc sống cho trẻ, hạn chế việc trẻ giao tiếp hay các hoạt động trải nghiệm bổ ích. Có giáo viên dù hiểu việc chuyển từ hoạt động chủ đạo vui chơi sang hoạt động chủ đạo học tập là chuyện không dễ dàng đối với trẻ 6 tuổi, nhưng không kết hợp việc học tập với vui chơi trong giai đoạn đầu tiểu học.
Hình thành kỹ năng, tạo hứng thú cho trẻ
Thứ nhất, về nhận thức: Trước khi con vào lớp 1, ba mẹ hãy chuẩn bị tốt về mặt tâm thế cho trẻ. Theo đó, ba mẹ thường xuyên trò chuyện với trẻ về những gì diễn ra ở trường tiểu học, hướng dẫn trẻ tìm hiểu về sự khác biệt giữa việc học lớp 1 với hoạt động vui chơi ở trường mầm non. Trò chuyện và cho trẻ tham quan trường tiểu học… Thông qua những hoạt động đó, trẻ hiểu được những thứ cần chuẩn bị trước khi đến trường, từ đó trẻ thể hiện cảm xúc tích cực, hứng thú, nhu cầu với việc đi học lớp 1. Luôn lắng nghe và trở thành điểm tựa tinh thần để trẻ yên tâm với cảm giác an toàn khi vào học lớp 1. Với vai trò là người chăm sóc, ba mẹ có thể dạy trẻ cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, kích thích sự phát triển tư duy và óc phán đoán cho trẻ. Điều này giúp trẻ chuẩn bị tốt hơn cho quá trình nhận thức, nhất là giai đoạn thích ứng với hoạt động học ở trường tiểu học.
Thứ hai, về thái độ: Hãy giúp trẻ hình thành được thái độ biết quý trọng thầy cô, thể hiện sự lễ phép với người lớn thông qua những bài học và các hoạt động trải nghiệm. Giúp trẻ hình thành tính tự chủ, tự giác với các hoạt động của cá nhân. Bước đầu biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình ngay tại nhà và khi đến trường, bởi khi bước vào lớp 1 trẻ phải thực hiện nhiều hoạt động, nhất là các hoạt động liên quan đến cá nhân như vệ sinh, dọn dẹp phòng học…, điều đó rất quan trọng đối với trẻ. Gia đình cũng là nơi tạo điều kiện và dạy trẻ tính tự lập, sự kiên trì thực hiện công việc đến cùng, khả năng hợp tác và làm việc cùng với những người xung quanh. Ba mẹ phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với giáo viên để giúp trẻ tự tin dần vào bản thân. Trẻ có thái độ tích cực sẽ nhanh chóng làm quen với việc học tập và sinh hoạt trong môi trường mới.
Thứ ba, về kỹ năng: Để trẻ vững vàng vào lớp 1, ba mẹ và thầy cô hãy chú ý đến việc hình thành cho trẻ sự mạnh mẽ về thể chất và có những hiểu biết, kỹ năng cơ bản, như kỹ năng tự kết giao với bạn bè, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp với người lớn, kỹ năng tự bảo vệ an toàn, kỹ năng lao động, kỹ năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân… Hỗ trợ trẻ trong quá trình học tập, giúp trẻ tìm hiểu và mở rộng kiến thức về thế giới xung quanh một cách vui vẻ, thoải mái. Dạy trẻ nhận biết, biểu lộ cảm xúc và kiểm soát cảm xúc tiêu cực, thiết lập mối quan hệ bạn bè, chia sẻ đồ chơi với bạn bè…
Tóm lại, hành trang bước vào lớp 1 rất quan trọng, ba mẹ và thầy cô đừng để các em bị rối nhiễu tâm lý sẽ ảnh hưởng không tốt cho việc học tập sau này.
Nguyễn Văn Công
Bình luận (0)