Sự kiện giáo dụcTin tức

Tạo chuyển biến mạnh mẽ, đổi mới toàn diện công tác dạy nghề

Tạp Chí Giáo Dục

(GD TP.HCM): – Chiều 25-9, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận và đóng góp ý kiến cho Đề cương Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) chủ trì xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đàm Hữu Đắc, công tác dạy nghề vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Đó là, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề còn thấp, nhất là lao động nông thôn. Cơ cấu đào tạo nghề theo trình độ và nghề đào tạo chưa đáp ứng được cơ cấu lao động cần sử dụng của các ngành kinh tế và thị trường lao động. Đặc biệt, chất lượng đào tạo nghề còn thấp, do đó dẫn đến còn khoảng cách giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động… Bên cạnh đó, tác phong công nghiệp, thể chất, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu; lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa hiện đại trong bối cảnh hội nhập. 
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, rà soát lại các nghị quyết liên quan đến dạy nghề để làm rõ lại cách thức tổ chức thị trường lao động, dạy nghề. Phó thủ tướng yêu cầu, cùng với chiến lược phải có báo cáo đánh giá công tác dạy nghề trong 10 năm qua. Trong đó, tập trung chỉ rõ những mâu thuẫn, những vấn đề còn lạc hậu về tư duy trong dạy nghề để từ đó có giải pháp cụ thể, đồng thời tăng cường giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý Nhà nước.
Đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện chiến lược, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, cần lưu ý đánh giá những mâu thuẫn phát sinh trong quá trình dạy nghề, làm rõ động lực phát triển dạy nghề trong thời gian qua. Đánh giá nhu cầu phát triển xã hội 10 năm tới để có giải pháp cụ thể cho công tác dạy nghề.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu, cần xác định các giải pháp có tính chiến lược như: Những giải pháp liên quan đến đảm bảo chất lượng dạy nghề; phát triển hệ thống và quy mô, đội ngũ giáo viên, vốn và cơ chế tài chính cho dạy nghề; doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề…
C.P

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)