Trước thực trạng sau khi tốt nghiệp, sinh viên (SV) rất khó có cơ hội tìm được việc làm, nhiều năm qua, Khoa Sinh học – Trường ĐH Đà Lạt đã chủ động ký kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực; qua đó, đã giúp SV tiếp cận với doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và đã tìm được việc làm, lập nghiệp…
SV Khoa Sinh trong đợt đi thực tập hướng dẫn nông dân kỹ thuật ủ phân từ vỏ cà phê… Ảnh: T.D.H
Chủ động liên kết đào tạo
Khoa Sinh học ra đời, gắn liền quá trình hình thành và phát triển của Trường ĐH Đà Lạt (tiền thân là Viện ĐH Đà Lạt hình thành từ năm 1958). Khoa Sinh học chiêu sinh khóa đầu tiên vào năm học 1959-1960. Đến năm 1976, Trường ĐH Đà Lạt thành lập, Khoa Sinh học là một trong 3 khoa đầu tiên của ĐH Đà Lạt và tuyển sinh khóa 1 năm học 1977-1978. Đến nay, Khoa Sinh học đã tuyển sinh khóa thứ 44.
Bởi có lịch sử lâu đời, Khoa Sinh ĐH Đà Lạt đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học tên tuổi trên lĩnh vực sinh học cho đất nước và địa phương như: GS.TS Dương Tấn Nhựt (hiện là Viện phó Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên) – một trong 2 giáo sư của cả tỉnh Lâm Đồng hiện nay; Khoa Sinh ĐH Đà Lạt có uy tín trong hệ thống giáo dục ĐH trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ có lợi thế về phát triển ngành sinh học tự nhiên (tài nguyên động thực vật, sinh học phân tử, công nghệ sinh học…); nơi có nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm, dựa trên sự phong phú nguồn “nguyên liệu” từ nông nghiệp, công nghiệp và sự đa dạng sinh học ở vùng đất này…
Được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm; được sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Chủ nhiệm Khoa Sinh đã nắm bắt, vận dụng các điều kiện thuận lợi đề ra chiến lược, các chính sách đào tạo của khoa là: Hợp tác với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để tìm các nguồn tài trợ, hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm của SV; hỗ trợ SV thực tập nghề nghiệp tại các doanh nghiệp liên quan ngành sinh học (nông nghiệp công nghệ cao, tài nguyên thực vật, vi sinh nông nghiệp, vi sinh trong chăn nuôi…). Với mục tiêu đào tạo gắn với nghề nghiệp hỗ trợ SV tìm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường…
Thông qua việc ký kết hợp tác, liên kết giữa Khoa Sinh học ĐH Đà Lạt với các doanh nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố lân cận; qua các năm học, lãnh đạo Khoa Sinh Trường ĐH Đà Lạt duy trì thường niên tổ chức “Ngày hội việc làm cho SV”. Ngày hội việc làm SV thực sự là nơi gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu giữa các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng với SV – mở ra cơ hội việc làm cho nhiều SV ngay từ khi các bạn còn ngồi trên ghế giảng đường.
Các nhà khoa học tham quan khu nhà kính Trung tâm đào tạo thực hành và sản xuất thử nghiệm Trường ĐH Đà Lạt. Ảnh: T.D.H
Đoàn Ngọc Tuấn (SV K40 Khoa Sinh) chia sẻ: “Em đã tham gia phỏng vấn và được Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Hokkaido Lotus nhận hồ sơ. Ra trường, em sẽ làm việc tại công ty này với công việc bảo quản nông sản sau thu hoạch. Em thấy chương trình khoa liên kết với các doanh nghiệp hết sức bổ ích, giúp cho nhiều SV có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng để tìm được việc làm phù hợp”…
Đào tạo gắn với thực tiễn
PGS.TS Trần Văn Tiến (Trưởng khoa Sinh học) cho biết, ngoài phối hợp tổ chức Ngày hội việc làm hàng năm, khoa cũng đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ… Ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong thực tập, nghiên cứu còn giúp SV tiếp cận với các doanh nghiệp, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp và việc làm. Những năm qua, khá nhiều SV của khoa, có những em dù đang học nhưng đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc (bán thời gian) ở một số ngành liên quan các lĩnh vực mà SV theo học như: Sinh học nông nghiệp, tài nguyên thực vật, công nghệ giống cây trồng, nấm, rau, hoa…
Thầy Tiến cho biết thêm, trong các năm học qua, Khoa Sinh học còn liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để gửi SV thực tập, hay hỗ trợ SV thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, nhiều SV khi ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng, có việc làm ngay…
Song song với đào tạo gắn với định hướng nghề nghiệp, Khoa Sinh học còn chú trọng đến kỹ năng thực hành cho SV. Được Ban Giám hiệu nhà trường thống nhất và tạo điều kiện, Khoa Sinh đã thành lập “Trung tâm đào tạo thực hành và sản xuất thử nghiệm” đặt trong khuôn viên của nhà trường, có diện tích hơn 1.000m2. Hiện nay, Khoa Sinh ĐH Đà Lạt ngoài 4 tổ hợp phòng thí nghiệm: Phòng thí nghiệm Đại cương; Phòng thí nghiệm Công nghệ vi sinh (Vi sinh vật học, Công nghệ vi sinh vật, Khu thực nghiệm vi sinh vật, Công nghệ nấm); Phòng thí nghiệm Sinh thái tài nguyên (động vật, tài nguyên Thực vật, Nấm học, Côn trùng); Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học (Sinh học phân tử, Hóa sinh, Công nghệ thực vật), “Trung tâm đào tạo thực hành và sản xuất thử nghiệm” còn tạo thêm điều kiện phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của thầy trò trong khoa.
Ban lãnh đạo Khoa Sinh tọa đàm liên kết với các doanh nghiệp. Ảnh: T.D.H
Tại trung tâm này, lãnh đạo Khoa Sinh dành riêng một khu nhà kính được thiết kế, trang bị các vật dụng hiện đại theo hướng công nghệ cao để SV vừa nghiên cứu, thí nghiệm vừa trực tiếp làm vườn (trồng, chăm sóc, nghiên cứu quá trình sinh trưởng, phát triển của các giống rau, hoa, củ, quả…) của Đà Lạt.
“Điều quan trọng mà hoạt động của “Trung tâm đào tạo thực hành…” mang lại là qua việc SV tự tay làm ra sản phẩm sẽ giúp các bạn nắm bắt, vận dụng từ lý thuyết sách vở đến thực tiễn. Đây là mục tiêu đào tạo của Khoa Sinh, nói riêng và Trường ĐH Đà Lạt trong việc gắn kết giữa lý thuyết với kỹ năng thực hành để SV ra trường có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp” – Trưởng khoa Sinh chia sẻ.
Mỗi năm, Khoa Sinh học ĐH Đà Lạt đào tạo hơn 150 cử nhân sinh học và công nghệ sinh học cho địa phương, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và cả nước. Với phương pháp liên kết đào tạo hiệu quả này, đa số SV Khoa Sinh học sau khi tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên môn, nguyện vọng chiếm tỷ lệ cao nhất Trường ĐH Đà Lạt…
Thanh Hồng
Bình luận (0)