Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông sản tiếp cận vốn tín dụng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phối hợp UBND TP.Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức Hội nghị  “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL”.


Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam phát biểu chỉ đạo

Hội nghị nhằm trao đổi, chia sẻ kết quả đạt được, nhận diện và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để cùng tìm các giải pháp tháo gỡ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL tiếp cận và sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tại hội nghị, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết: Ngành lúa gạo, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực luôn được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn tín dụng.


Các đại biểu dự hội nghị

Tính đến cuối tháng 8-2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối 2022. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng (TCTD) quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%; chiếm 51,76% tổng dư nợ của khu vực và 17,44% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đối với các ngành lúa gạo, thủy sản là thế mạnh của vùng có mức tăng trưởng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành thủy sản đạt gần 129 nghìn tỉ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%). Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Theo dõi số thống kê qua các năm, dự kiến từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng đối với 2 ngành này sẽ tiếp tục tăng  nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.


Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam, và ông Nguyễn Văn Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đồng chủ trì hội nghị

Theo bà Giang, kết quả trên cho thấy dòng vốn tín dụng ngành ngân hàng đã tập trung vào các lĩnh vực, ngành hàng là thế mạnh, chủ lực của khu vực ĐBSCL, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội  vùng ĐBSCL nói riêng và toàn quốc nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với không ít khó khăn,  như hiệu quả kinh doanh trong nông nghiệp còn thấp, các sản phẩm nông nghiệp ngày càng phải cạnh tranh gay gắt trong khu vực và trên thế giới, sự liên kết hợp tác, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; nguy cơ đứt gẫy chuỗi giá trị sản xuất – thu mua – chế biến – xuất khẩu nông sản luôn tiềm ẩn, nhiều doanh nghiệp (DN) quy mô sản xuất nhỏ, năng lực tài chính, quản trị hạn chế, không đáp ứng đủ những điều kiện vay vốn tín dụng ngân hàng…


Ông Nguyễn Ngọc Hải Đăng – Giám đốc Sacombank Khu vực Tây Nam bộ, kiến nghị các biện pháp nhằm hài hòa giữa hoạt động tín dụng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN; đồng thời kiến nghị NHNN tăng cường liên kết với các tổ chức quốc tế để tìm nguồn vốn tài trợ và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Tại hội nghị, các DN trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp với các  TCTD; đồng thời  đề xuất ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn đầu tư theo chuỗi giá trị ngành hàng, đa dạng hình thức cấp tín dụng  như thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tín dụng cấp thông qua hàng hóa khi DN đầu tư cho nông dân, cấp tín dụng bằng tiền mặt khi thu mua lúa hàng hóa cho nông dân… Bên cạnh đó, đề xuất ngân hàng đa dạng thời hạn vay theo mùa vụ tùy theo từng thị trường xuất khẩu cụ thể… Các TCTD cần  thông tin cho DN  các chương trình tín dụng ưu tiên phục vụ ngành hàng lúa gạo, thủy sản xuất khẩu, các chương trình hỗ trợ lãi suất, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo các chính sách của NHNN…


Đại biểu kiến nghị với lãnh đạo NHNN về chính sách ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp lĩnh vực nông – thủy sản

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam,  ghi nhận những kiến nghị của các DN và đề nghị các TCTD quan tâm giảm lãi suất đối với các khoản vay mới lẫn khoản vay cũ cho khách hàng, cả lãi suất cho vay nội tệ lẫn ngoại tệ. Tiếp tục cắt giảm các khoản phí và nghiêm cấm việc bán bảo hiểm làm điều kiện để giải ngân vốn cho khách hàng. Quan tâm chương trình đồng tài trợ vốn vay giữa các ngân hàng đối với các dự án lớn. Tăng cường liên kết cho vay theo chuỗi giá trị, theo từng tác nhân trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, thủy sản. Vấn đề tài sản đảm bảo thực hiện theo thẩm quyền của các ngân hàng thương mại song phải  tạo thuận lợi cho DN. Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành theo dõi, đánh giá tình hình tín dụng, xử lý linh hoạt và là đầu mối kết nối nắm bắt kịp thời khó khăn thực tế để đồng hành cùng các ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Hệ thống ngân hàng sẽ không để thiếu vốn,  thiếu tiền mặt và các dịch vụ lĩnh vực cung ứng tiền, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thu mua, chế biến, tạm trữ, xuất khẩu. Thực hiện cơ chế cho vay bằng tiền đồng và cả ngoại tệ, làm sao để các DN tranh thủ được lợi ích tối đa, đặc biệt trong điều kiện thuận lợi hiện nay về lúa gạo xuất khẩu… Bên cạnh đó, các DN cũng cần cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, phát triển các thị trường mới; đồng thời nỗ lực tăng cường nguồn lực, minh bạch tài chính, chia sẻ với ngân hàng, chủ động trao đổi khó khăn để đề xuất giải pháp, cùng ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc. Các bộ, ngành, và địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục triển khai dự án, góp phần tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)