Với sự phát triển của công nghệ, việc chiếu phim trên không gian mạng, địa điểm công cộng ngày càng tiện lợi. Ngành điện ảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang từng bước điều chỉnh, xử lý để việc chiếu phim được kiểm soát và thực hiện đúng quy định.
Ông Đỗ Quốc Việt (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) thông tin về quy định mới trong việc phổ biến phim
Kiểm soát chặt chẽ
Thời gian qua, ngành điện ảnh có nhiều bước tiến tuy nhiên vẫn còn một số sai phạm trong việc phát hành phim gây ảnh hưởng đến người xem cũng như thuần phong mỹ tục, văn hóa của Việt Nam. Trong đó, vi phạm thường xảy ra đối với các đơn vị có trụ sở ở nước ngoài phổ biến phim tại Việt Nam.
Ông Đỗ Quốc Việt (Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) cho biết, vừa qua cơ quan chức năng đã yêu cầu Netflix phải gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trong phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” (Tựa quốc tế: MH370 – The Plane That Disappeared). Phim này dài 3 tập, nội dung kể lại câu chuyện về chiếc máy bay 777-200ER mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines. Ngày 8-3-2014, máy bay chở 239 người cất cánh từ Kuala Lumpur, dự kiến tới thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cùng ngày. Nhưng chưa đầy một tiếng cất cánh, MH370 bị mất liên lạc. Tín hiệu cuối cùng cho thấy nó ở quanh khu vực vịnh Thái Lan. Quá trình tìm kiếm kéo dài nhiều tháng nhưng kết quả không khả quan. Đến ngày 24-3-2014, Chính phủ Malaysia mới thông báo hành trình của MH370 kết thúc ở phía Tây Nam thành phố Perth của Australia. Tháng 1-2015, Malaysia tuyên bố chuyến bay MH370 gặp nạn, toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng. Đến nay, nguyên nhân máy bay mất tích vẫn chưa được làm rõ.
Trong phim, có nội dung cho rằng Việt Nam không hề hợp tác trong việc hỗ trợ tìm kiếm MH370. Tuy nhiên hành động của Việt Nam trong thời điểm đó đều được cộng đồng quốc tế lẫn báo chí trong và ngoài nước ghi nhận. “Thông tin trong phim hoàn toàn sai sự thật gây ảnh hưởng đến người xem. Sau khi chúng tôi buộc gỡ bỏ, Netflix đã thực hiện”, ông Việt cho biết.
Sắp tới việc phổ biến phim trên mạng sẽ được siết chặt
Ông Việt cho hay, các đơn vị liên quan đang từng bước điều chỉnh, xử lý và phổ biến quy định mới để việc chiếu phim được kiểm soát và thực hiện đúng quy định. Đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim. Đơn vị muốn phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo danh sách phim sẽ phổ biến cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước đó… “Sắp tới chúng tôi sẽ quy định những đơn vị phổ biến phim có địa chỉ ở nước ngoài phải có trụ sở tại Việt Nam để khi nội dung phim có vấn đề chúng tôi dễ xử lý”, ông Việt thông tin.
Nhiều dự án điện ảnh đáng chú ý
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết, sắp tới đây, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ phối hợp với Hội Điện ảnh TP tổ chức Liên hoan phim ngắn TP.HCM lần 1. Đây là bước khởi động để đến năm 2024, TP.HCM sẽ đăng cai tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP.HCM và cũng là sự kiện văn hóa thường niên nhằm xúc tiến, quảng bá hình ảnh, tạo thương hiệu riêng cho thành phố.
Hướng đến Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến 2035, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tham mưu xây dựng phim trường hiện tại rộng hàng trăm hécta tọa lạc trên địa bàn huyện Củ Chi. Đây không chỉ là nơi để đào tạo nhân lực điện ảnh, quảng bá, xúc tiến điện ảnh thành phố mà còn sẽ là điểm đến du lịch.
Phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh tại TP.HCM Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị phổ biến, triển khai Luật Điện ảnh số 05/2022/QH ngày 15-6-2022 của Quốc hội và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP ngày 31-12-2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Luật Điện ảnh số 05/2022/QH ngày 15-6-2022 của Quốc hội gồm 8 chương: Những quy định chung; sản xuất phim; phát hành phim; phổ biến phim; Lưu chiếu phim, lưu trữ phim; Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Trách nhiệm quản lý Nhà nước về điện ảnh; điều khoản thi hành. Điểm mới của Luật Điện ảnh 2022 là giải thích lại một số từ ngữ như: Điện ảnh; phim; hoạt động điện ảnh; công nghiệp điện ảnh; sản xuất phim; phổ biến phim; kịch bản phim… Trong đó, luật cũng nêu ra quy định rõ ràng về việc phổ biến phim tại điểm chiếu phim công cộng; phổ biến phim trên không gian mạng…
|
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng có đề xuất xây dựng bảo tàng điện ảnh, trung tâm chiếu phim hiện đại và một trung tâm sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim, tiền kỳ, hậu kỳ…
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cũng tập trung thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong đó có điện ảnh. “Cùng với cả nước, ngành điện ảnh TP.HCM trong thời gian qua đã có những bước phát triển. Hiện thành phố có trên 100 cơ sở đăng ký sản xuất phát hành phim trong đó có khoảng 50 cơ sở hoạt động thường xuyên. Trong thời gian tới khi tổ chức Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, chúng tôi sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của điện ảnh thành phố trong việc tổ chức sự kiện văn hóa quan trọng cho TP.HCM”, bà Thúy cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)