Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để góp phần xử lý nợ xấu

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản. 
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến về dự án Luật này. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương, 81 Điều. 

Lành mạnh hóa hoạt động hệ thống tín dụng 

Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng 24/10. 

Tại báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản cho thấy nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các công ty quản lý tài sản khác. Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án Luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án Luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt; đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu ở nước ta là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia. 

Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC, quy định một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó. 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân… Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch. 

Đối với các công ty quản lý tài sản (AMC) do các tổ chức tín dụng thành lập, quyền và nghĩa vụ của các AMC thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, theo đó việc mua bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm của các khoản nợ thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 3 của dự thảo Luật. Đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004 với mục tiêu góp phần lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 2 phương án xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Phương án 1: Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC. Do vậy, sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung mục 3 gồm 2 điều về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Chương IV; đồng thời bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm o khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá… Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này. Sau đó, đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, các đại biểu: Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Vương Ngọc Hà (Hà Giang) cho rằng: Việc quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu được thể hiện theo trình tự thủ tục phù hợp với tình hình xử lý nợ xấu nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc quy định của Luật đấu giá tài sản công khai, minh bạch và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Quy định như vậy trong Luật sẽ tạo hành lang pháp lý đủ mạnh góp phần xử lý nợ xấu, đảm bảo khoản nợ xấu được nhanh chóng, hiệu quả, sớm lành mạnh hóa hoạt động hệ thống tín dụng và nền kinh tế. Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Minh đề nghị cần quy định rõ về hình thức hành nghề của đấu giá viên tại tổ chức mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu tín dụng Việt Nam, được tự đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. 

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng: Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm chỉ quy định về nguyên tắc trong dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, đảm bảo tính khách quan của vấn đề thì việc đấu giá không do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam tự tiến hành mà phải được tiến hành một cách độc lập. 
Một điểm mới tại phiên thảo luận lần này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trực tiếp giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội góp ý, đề xuất tại phiên thảo luận sáng nay, trong đó có nội dung về Đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. 

Bộ trưởng nêu rõ, cần xử lý nợ xấu, đấy là hiện tượng mang tính chất nhất thời của nền kinh tế cần phải được xử lý, Chính phủ đã quy định tại Nghị định 53. Theo nghị định này, VAMC làm khá nhiều việc, trong đó có việc đã mua nợ xấu về rồi thì phải bán nó đi, trong bán có hình thức bán đấu giá và bán thì VAMC có thể ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để bán hoặc có thể tự mình bán. Quan điểm của Bộ trưởng, về nguyên tắc có thể chấp nhận được phương án 1 thể hiện trong dự thảo Luật, nhưng cần làm rõ VAMC chỉ được bán tài sản là nợ xấu và tài khoản đảm bảo cho nợ xấu, đây không phải là tổ chức bán đấu giá hoạt động được như Trung tâm dịch vụ bán đấu giá hoặc như các doanh nghiệp đấu giá khác. Đến thời điểm này VAMC chưa tự bán, chủ yếu ký hợp đồng với các tổ chức chuyên nghiệp để bán – Bộ trưởng cho biết. 

Công khai, minh bạch việc đấu giá tài sản 

Cho ý kiến về quy định thông báo công khai việc đấu giá tại Điều 57 khoản 1: "Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật này, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần liên tiếp trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 1 ngày làm việc," đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) có quan điểm, không nên quy định bắt buộc phải thông báo trên báo in và báo hình, bởi hạn chế của các loại hình này là chi phí cao.

Để tiết kiệm chi phí đấu giá, các tổ chức, cá nhân đấu giá tài sản phải tính toán, có những trường hợp tài sản đấu giá tuy giá trị thấp nhưng phải đấu giá nhiều lần mà vẫn không có người mua, rất tốn kém, đại biểu Ma Thị Thúy đề xuất nên bỏ quy định này và luật hóa quy định đăng tải công khai trên web đấu giá tài sản của Bộ Tư pháp và các trang thành phần của bộ, ngành, địa phương để đảm bảo người dân được tiếp cận thông tin về đấu giá tài sản khách quan, đầy đủ, chuyên nghiệp… 

Đánh giá yêu cầu về tính công khai, minh bạch của việc đấu giá nhất là tài sản công được quy định tại 3 điều 34,35,36 của dự thảo Luật còn mang tính hình thức, dễ dẫn đến những sự việc đã rồi, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phân tích việc quy định địa điểm đấu giá là nơi có tài sản đấu giá, ở đây có thể là Ủy ban Nhân dân xã, thị trấn… là quá rộng mặc dù quy định như vậy đảm bảo tính linh hoạt nhưng lại không thúc đẩy tính chuyên nghiệp của hoạt động đấu giá, tạo nhiều kẽ hở, rào cản cho quá trình thực thi, tăng chi phí hành chính và không tạo được điều kiện cho các thành phần tham gia. 
Phân tích hoạt động đấu giá thường phát sinh ở những nơi có điều kiện kinh tế phát triển, do vậy địa điểm đấu giá nên quy định ở các trung tâm dịch vụ đấu giá để nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia được, đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị Điều 36 cần sửa lại là cuộc đấu giá tài sản được tổ chức ở trung tâm đấu giá hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản trừ trường hợp pháp luật có quy định khác… 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sẽ chỉ đạo ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua. 
Chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo./. 

Theo Quỳnh Hoa/ VIETNAM+

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)