- 1 Tạo “hormone hạnh phúc” để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT
Trong những cách để vượt qua tâm lý mùa thi là tạo ra “hormone hạnh phúc”. Bằng những cách đơn giản, cơ thể sẽ tiết ra hormone này, tạo tâm lý thoải mái để “chạy đua” với kỳ thi quan trọng – tốt nghiệp THPT năm 2025.

4 loại “hormone hạnh phúc”
Các chuyên gia cho biết, “hormone hạnh phúc” là những chất hóa học được sản xuất bởi các tuyến khác nhau trong cơ thể. Chúng di chuyển qua dòng máu, hoạt động như những chất truyền tín hiệu và tham gia vào nhiều quá trình của cơ thể. Có hormone tham gia vào quá trình tăng trưởng, hormone đáp ứng với stress và cũng có hormone giúp điều chỉnh tâm trạng. Đó là những “hormone hạnh phúc” giúp thúc đẩy cảm giác tích cực, bao gồm cả hạnh phúc và niềm vui.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Gia, trong những loại “hormone hạnh phúc”, có 4 loại mà học sinh có thể tạo ra để vượt qua áp lực mùa thi. Đầu tiên là hormone dopamine giúp cảm thấy dễ chịu. Để có hormone này, các em có thể tự chăm sóc bản thân bằng cách dưỡng da, massage, thư giãn, ngủ đủ giấc; đặt ra nhiệm vụ mỗi ngày và hoàn thành nhiệm vụ; ăn những món ngon hoặc chuối, nấm, hạnh nhân, cải bó xôi giúp tăng hormone dopamine; ăn mừng chiến thắng của bản thân. Tiếp theo là hormone serotonin làm giảm buồn phiền chán nản. Các em tự tạo ra hormone này bằng cách nghe nhạc; thực hành mindfulness; hòa mình vào thiên nhiên, tắm nắng; viết nhật ký; ăn trứng gà, cá hồi, các loại hạt, sản phẩm đậu nành. Thứ ba là hormone tình yêu (oxytocin). Hormone này được tiết ra từ cái nắm tay, ôm; trao nhận lời khen; chơi đùa với thú cưng; ăn các loại thực phẩm như khoai lang, các loại đậu, quả mọng, cà phê, dưa hấu, rau xà lách… Cuối cùng endorphin (hormone nội sinh) giúp các em vui vẻ cũng như giảm đau về thể chất. Tăng hormone này bằng cách xem phim hài, chuyện cười, tập thể dục, ăn sôcôla đen…
““Hormone hạnh phúc” được tạo ra rất dễ. Chỉ cần chúng ta có một chế độ ăn uống, tập luyện đúng cách và thư giãn hợp lý sẽ tạo ra được hormone này”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Gia nói.
Duy trì giấc ngủ đủ và chất lượng
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Gia, song hành cùng với tạo ra “hormone hạnh phúc” thì mỗi học sinh cũng cần vạch ra kế hoạch ôn tập phù hợp để bước vào kỳ thi thuận lợi. Cụ thể, các em cần tạo thói quen ôn tập khoa học và hợp lý. Việc ôn tập khoa học, có kế hoạch và phân bổ thời gian hợp lý giúp học sinh tránh cảm giác bị “chạy đua” hay căng thẳng vào phút chót. Một kế hoạch ôn tập cụ thể và hợp lý sẽ giúp các em giảm bớt cảm giác lo âu, đồng thời tạo cảm giác tự tin khi bước vào kỳ thi. Tiếp theo, các em phải lập thời gian biểu ôn tập. Cụ thể, các em xác định rõ các môn cần ôn tập, sắp xếp thời gian hợp lý cho từng môn. Ôn tập dần dần, tránh nhồi nhét thông tin vào phút cuối. Cùng với đó, các em phải giữ tinh thần thoải mái và giảm stress. Các em không nên quá áp lực về kết quả thi mà cần duy trì một cái nhìn tích cực. Căng thẳng quá mức có thể khiến các em mất tập trung và dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức trước kỳ thi. Đồng thời, các em thực hành kỹ năng thư giãn. Những bài tập thở, yoga, thiền giúp giảm căng thẳng và giúp các em thư giãn hơn. Ngoài ra, cần thực hiện các hoạt động ngoài trời như đi bộ, tập thể dục, hoặc tham gia các hoạt động giải trí nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Đặc biệt, học sinh phải duy trì giấc ngủ đủ và chất lượng. Giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe. Một đêm ngủ ngon giúp não bộ tái tạo năng lượng và sẵn sàng tiếp thu thông tin vào ngày hôm sau. Ngược lại, thiếu ngủ có thể làm giảm khả năng tập trung và gây mệt mỏi. Duy trì thói quen ngủ sớm, cố gắng đi ngủ trước 10 giờ tối và duy trì giấc ngủ đều đặn. Tránh thức khuya ôn bài, bởi thức khuya ôn bài quá nhiều chỉ làm giảm hiệu quả học tập và khiến các em dễ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Tự tin và lạc quan
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Gia lưu ý, học sinh cần xây dựng tâm lý tự tin và lạc quan. Tự tin là chìa khóa để các em có thể làm bài tốt trong kỳ thi. Khi học sinh tự tin vào khả năng của mình, các em sẽ dễ dàng duy trì sự bình tĩnh và làm bài hiệu quả hơn. Tiếp theo, hãy nhớ lại những thành công nhỏ: nhắc nhở bản thân về những lần học tốt, làm bài kiểm tra tốt hoặc vượt qua những thử thách trước đây. Điều này giúp các em xây dựng niềm tin vào bản thân. Hay các em hãy tưởng tượng mình vượt qua kỳ thi một cách thành công: việc hình dung về một kết quả tốt có thể giúp học sinh cảm thấy bình tĩnh và tự tin hơn. Cuối cùng là chia sẻ cảm xúc: các em không nên giữ mọi thứ trong lòng. Việc chia sẻ với bạn bè, gia đình hoặc thầy cô về cảm xúc lo lắng sẽ giúp bản thân giảm bớt gánh nặng tâm lý.
Việc chuẩn bị đầy đủ vật dụng trước ngày thi cũng là yếu tố quyết định sự thành công của kỳ thi. Vào những ngày trước kỳ thi, các em cần chuẩn bị tất cả các vật dụng cần thiết (bút, thước, giấy tờ thi…) để tránh căng thẳng vào phút chót. Song song đó, kiểm tra trước các giấy tờ cần thiết: đảm bảo rằng các em có đủ các giấy tờ như căn cước công dân, thẻ học sinh, giấy báo thi… Chuẩn bị một bữa ăn sáng nhẹ vào ngày thi: điều này giúp các em không phải lo lắng về chuyện ăn uống vào buổi sáng.
“Chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi không kém phần quan trọng so với việc ôn luyện kiến thức. Các em cần duy trì một tinh thần thoải mái, tự tin và lạc quan, cùng với một chế độ sinh hoạt khoa học để có thể đối mặt với kỳ thi một cách vững vàng. Hãy nhớ rằng, kỳ thi chỉ là một phần trong hành trình học tập và kết quả không phản ánh toàn bộ khả năng của các em”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thành Gia nói.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)