Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tảo mộ ngày xuân

Tạp Chí Giáo Dục

Tảo mộ là tập tục truyền thống của dân tộc Việt trong việc thăm nom, cúng viếng, sửa sang mộ phần và mời ông bà, tổ tiên về gia đình ăn Tết. Đó là nét đẹp văn hóa người dân Việt lưu giữ từ bao đời nay. Qua đó thể hiện truyền thống đạo hiếu của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, những người đã khuất.

Quang cảnh tảo mộ tại một nghĩa trang ở TP.HCM trong những ngày trung tuần tháng chạp

Trải qua nhiều thế kỷ, tảo mộ ở miền Nam và miền Bắc có đôi phần khác nhau về hình thức cũng như thời gian. Dẫu vậy, dù ở đâu trên dải đất hình chữ S này, miền Nam hay miền Bắc, cái hồn, cái cốt của tập tục truyền thống vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ. 

“Dọn nhà” cho ông bà đón Tết

Gia đình ông Đỗ Văn Bình (quận Tân Phú, TP.HCM), cho dù con cháu ông đã định cư ở trời Tây và nhiều tỉnh thành khác. Tết năm nay cũng vậy, gia đình người con trai cả là anh Đỗ Văn Soạn ở Cali (Hoa Kỳ) đã chuẩn bị sẵn vé máy bay để về Việt Nam cho kịp ngày tảo mộ tổ tiên vào 25 tháng chạp. Gia đình người con trai út ở Cần Thơ, con gái thứ ở Biên Hòa cũng đã chuẩn bị kế hoạch trở về Sài Gòn để cùng tề tựu với gia đình lớn trong dòng họ mình.

“Đại gia đình tôi năm nào cũng họp mặt từ 24 tháng chạp và việc đầu tiên là tu sửa mộ phần cho những người đã khuất trong gia đình ở Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân). Trong ngày này, những thành viên mới của gia đình đều được tham dự để biết nơi chôn cất mồ mả họ hàng. Dịp này tôi cũng giải thích mối quan hệ của từng người đã khuất với gia đình để cho các thành viên mới được biết. Qua đó cầu xin hương hồn ông bà, tổ tiên phù hộ cho mọi người một năm mới may mắn, bình an”, ông Bình chia sẻ. Theo nguyện vọng của ông Bình, tập tục này cần được duy trì để con cháu, đặc biệt là những người sống xa quê không quên cội nguồn, truyền thống văn hóa dân tộc.

Chị Phạm Thị Mỹ Linh (làm bảo mẫu ở Trường TH Hồng Hà, Q.Bình Thạnh) kể, vì là con gái độc nhất, nên vợ chồng chị phải cố gắng thu xếp công việc để dành riêng ngày 25 tháng chạp đến dọn mộ phần cho người cha đã khuất tại Nghĩa trang Gò Dưa (Thủ Đức). Việc làm này theo chị là rất quan trọng, “vì chỉ mình tôi là con mà không lo sửa sang “nhà cửa” cho cha đón Tết, thì ông biết trông cậy vào ai. Đây cũng là cách tôi thể hiện bổn phận hiếu thảo với người cha thân yêu của mình”. Ý thức được trách nhiệm của người con, nên năm nào vợ chồng chị cũng đem theo liềm làm cỏ, chổi quét dọn lá cây để mộ phần cha mình được tươm tất.

Sau khi hoàn thành bổn phận với cha, vợ chồng chị lại chạy về để sửa sang mộ phần cho ông bà ngoại ở nhà thờ Châu Nam (Hóc Môn) và nơi an nghỉ của ông bà nội ở nhà thờ Bình An (quận 8).

Khác với truyền thống tảo mộ trước Tết ở miền Nam, ở miền Bắc nghi lễ này thường diễn ra vào tháng 3. Tuy nhiên, trong khoảng từ 25 đến 30 tháng chạp, các họ tộc vẫn duy trì truyền thống thăm viếng mộ phần và mời ông bà, tổ tiên cùng những người đã khuất về ăn Tết với con cháu. Anh Vũ Văn Phi (ngụ Lý Yên, Nam Định) cho biết truyền thống đó đã in hằn trong tâm trí từ khi anh còn bé, mỗi khi đi theo cha mẹ thăm phần mộ dòng tộc trong nghĩa trang cách nhà khoảng 2km. Suốt hơn 20 năm đi làm ăn xa nhà, anh cũng như các anh em họ hàng làm ăn xa xứ cố gắng trở về gia đình trễ nhất là ngày 30 Tết để viếng mộ dòng tộc.

Anh Phi kể, vào ngày đó, tất cả con cháu tụ họp lại đem theo hương đèn, hoa quả đi viếng mộ để cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho con cháu sống thuận hòa, công việc thuận lợi, gặp nhiều may mắn hơn năm cũ. Theo anh Phi: “Đây là dịp để tưởng nhớ về cội nguồn, hướng con cháu sống tốt đạo đẹp đời theo truyền thống của dòng họ, và cũng là dịp để anh em họ hàng lâu ngày gặp nhau ôn lại kỷ niệm sau bao ngày xa cách hoặc hòa giải nếu có sự bất hòa”.

Truyền thống “uống nước nhớ nguồn”

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng, tập tục tảo mộ (chạp mả) của người Việt đa phần diễn ra sau Tết vào đầu tháng 3 ở miền Bắc (Tiết thanh minh) do ảnh hưởng văn hóa của người Hoa, hoặc vào cuối tháng chạp ở miền Nam (cả thành thị và những nơi vùng sâu vùng xa) do ảnh huởng tập tục của Trung bộ. Theo đó, ở Trung bộ khoảng từ 25 đến 30 tháng chạp là lúc dân làng cùng nhau ra đồng tìm các phần mộ vô chủ – gọi là hoang mộ/mả hoang để giẫy cỏ, tu bồi lại cho tươm tất và sau đó tiến hành lễ cúng tế tại một địa điểm cố định ở sân đình, miếu hay các đàn miếu âm linh…

Xét về khía cạnh đạo đức, văn hóa, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhấn mạnh, việc tảo mộ ngày xuân là nét đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời là dịp con cháu tụ họp để tái lập và củng cố lại duyên mối, cấu kết của cộng đồng tộc họ. Về mặt tín ngưỡng, tâm linh thì việc nhớ tới người đã khuất còn là bổn phận của con cháu, phải lo cho ông bà mình tử tế, để cho vong hồn ông bà mình được thảnh thơi, được đủ đầy, được vui vẻ và từ đó ông bà phù hộ cho công việc, sức khỏe, làm ăn, học hành của con cháu. “Việc tụ họp con cháu vào ngày tảo mộ là việc quan trọng, giúp cho các thế hệ trẻ biết nơi chốn mồ mả ông bà, tổ tiên, để sau này tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của dòng tộc mình”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khẳng định.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Bình luận (0)