Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tạo môi trường giao thông: Trật tự – an toàn – văn minh – thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

Các tình nguyện viên đang điều tiết giao thông. Ảnh: I.T

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) – Chủ tịch UB ATGT quốc gia Hồ Nghĩa Dũng vừa ký ban hành kế hoạch số 241/UBATGTQG nhằm tổ chức hiệu quả Tháng ATGT (tháng 9-2010). Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan thành viên của ủy ban triển khai các hoạt động với chủ đề “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh, thiếu nhi và cộng đồng”.
Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông

Mục đích của Tháng ATGT năm nay là từng bước xây dựng thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông; hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là đối tượng thanh, thiếu nhi; tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước; các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Bảo đảm giao thông thông suốt, giảm ùn tắc; giảm TNGT so với tháng 8-2010 và so với tháng 9-2009.
Nội dung hoạt động của Tháng ATGT năm 2010, bao gồm: Mở đợt cao điểm tuyên truyền, vận động xây dựng “Văn hóa giao thông” với sự tham gia, hưởng ứng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trường học về văn hóa giao thông: Hiểu biết và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; không vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Khi tham gia giao thông có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng; biết tôn trọng và nhường nhịn; biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Có thái độ ứng xử chuẩn mực, văn minh, lịch sự của người tham gia giao thông, người thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT, người kinh doanh vận tải. Chú ý, tập trung tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng theo các chủ đề “Quy tắc giao thông”, “Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”, “Rượu bia với ATGT”. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền, giáo dục ATGT trong nhà trường. Thông qua hoạt động tuyên truyền của các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị, các tổ dân phố, thôn, bản; hệ thống truyền thanh xã, phường. Sử dụng thông điệp, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi. Tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn, hội thi, triển lãm tranh, ảnh về ATGT. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và cưỡng chế để đạt hiệu quả cao.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm
Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tập trung xử lý các lỗi: vi phạm tốc độ; đi không đúng làn đường, phần đường; vi phạm quy định về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm; chú trọng phát hiện, xử lý các trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em theo quy định. Tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang trái phép, không bảo đảm an toàn, nhất là vùng bị ảnh hưởng mưa lũ. Đồng thời, các đơn vị quản lý cơ sở hạ tầng giao thông tăng cường duy tu, bảo dưỡng công trình giao thông, tiếp tục rà soát loại bỏ các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa bất hợp lý, bổ sung các biển báo hiệu ở những điểm cần thiết; nhanh chóng xử lý, khắc phục các “điểm đen” đã được xác định. Tổ chức giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Không để xảy ra ùn tắc giao thông đầu năm học
Lập phương án tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông trên các tuyến, khu vực thường xảy ra ùn tắc, không để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội và TP.HCM trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 và ngày khai giảng năm học mới. Đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, trong đó tập trung thực hiện các nội dung đã được phê duyệt trong giai đoạn III đối với đường bộ và giai đoạn II đối với đường sắt. Cần điều chỉnh, bổ sung phao tiêu báo hiệu đường thủy phù hợp với điều kiện cụ thể từng tuyến, nhất là những tuyến có mật độ lưu thông cao; kết hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nghiêm khắc hành vi phá hoại phao tiêu, báo hiệu đường thủy nội địa. Đẩy mạnh việc chấn chỉnh hoạt động vận tải khách bằng ô tô, đồng thời triển khai thực hiện các quy định về quản lý vận tải hành khách theo Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải thủy nội địa, nhất là đò ngang, đò dọc chở khách. Tăng cường kiểm tra các điều kiện an toàn các bến khách ngang sông; ngăn chặn chở quá tải; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến, cảng và phương tiện thủy nội địa không bảo đảm các điều kiện an toàn; đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý phương tiện thủy chở khách và phục vụ du lịch.

Bài, ảnh: Hà Anh

Bình luận (0)