Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Câu chuyện nhiều giáo viên tiếng Anh ở các tỉnh, thành cứ đi thi là rớt và hy vọng với tới chuẩn theo quy định còn xa vời, đang khiến dư luận quan tâm và lo lắng về chất lượng giáo viên ngoại ngữ. Thực trạng và nỗi khổ này đã được mổ xẻ, phân tích khá nhiều và chọn giải pháp nào khắc phục là vấn đề cốt lõi cần phải bàn.

Theo một số chuyên gia tiếng Anh, dù có đầu tư số tiền hàng trăm tỷ và mở thêm nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Anh do người nước ngoài giảng dạy thì cũng không thể giải quyết phần gốc – cải thiện năng lực, trình độ của đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện nay. Như thế, nếu các tỉnh, thành trong cả nước vẫn tiếp tục chọn giải pháp bồi dưỡng, bồi dưỡng theo từng khóa ngắn hạn khoảng vài tuần đến cả tháng vào mỗi mùa hè thì kết quả chỉ nhích thêm một tý – không cải thiện được bao nhiêu. Với thực trạng này thì lấy đâu giáo viên tiếng Anh đủ chuẩn để thực thi đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 như đặt ra? Một khi phần lớn giáo viên chưa đủ chuẩn và không thể đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh theo chuẩn quốc tế thì làm sao có thể dạy học sinh theo chuẩn – chú trọng 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Và với thực tế học tiếng Anh theo kiểu chẳng giống ai như đang làm thì đến bao giờ chúng ta mới có một lớp trẻ được trang bị năng lực ngoại ngữ, tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh như các nước trong khu vực?

Vẫn biết đây là bài toán khó và cần có giải pháp phù hợp để tháo gỡ từ từ, nhưng chúng ta không thể chậm trễ. Bởi lẽ, chậm một năm là thiệt thòi cho một thế hệ học trò đang cần trang bị trình độ tiếng Anh đủ chuẩn – chìa khóa bước vào môi trường hội nhập đa văn hóa, cạnh tranh gay gắt ở thế kỷ 21. Như thế, thay vì loay hoay với cách làm thiếu hiệu quả như hiện nay, Bộ GD-ĐT và các địa phương nên xây dựng đề án thu hút giáo viên trẻ đạt chuẩn, giỏi ngoại ngữ tiếng Anh từ nguồn du học, kể cả giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường giao tiếp, thực hành nói tiếng Anh tại trường học hoặc khuyến khích nói tiếng Anh tại các buổi họp, giao ban về chuyên môn. Nếu chúng ta không chủ động tạo môi trường giao tiếp nói tiếng Anh rộng rãi trong cộng đồng như nhiều nước trong khu vực thì việc thực hành tiếng Anh sẽ tiếp tục tụt hậu.

Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là nhiều học sinh ở TPHCM có điều kiện học tiếng Anh bài bản từ nhỏ và được thực hành thường xuyên với giáo viên người nước ngoài nên khả năng nghe nói và diễn đạt chuẩn hơn giáo viên người Việt rất nhiều. Một hiệu trưởng ở TPHCM cho biết, khi có đoàn khách nước ngoài đến tham quan trường, không một giáo viên nào có khả năng phiên dịch nên nhà trường phải chỉ định học sinh làm thay. Theo vị hiệu trưởng này, đây là nỗi buồn cần phải hóa giải sớm để học trò không bị tụt hậu, học tiếng Anh hiệu quả. Từ thực tế này đòi hỏi Bộ GD-ĐT và từng tỉnh, thành phải xem lại giải pháp đầu tư nâng cao năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên và chất lượng dạy ngoại ngữ ở các cấp để khi học xong bậc THPT, học sinh có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh.

HOÀNG ANH (NLĐ)

Bình luận (0)