Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư để phát triển ý tưởng, mở rộng thị trường kinh doanh…
Dự án khởi nghiệp tiềm năng thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Doanh nghiệp khởi nghiệp giới thiệu sản phẩm với khách tham quan
Chính sách mở
Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP.HCM mới đây, ông Phạm Hồng Quất (Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học – Công nghệ) khẳng định, lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM trong xây dựng cộng đồng khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực là có chất lượng nguồn nhân lực khá tốt, nhiệt huyết của người trẻ và đặc biệt là cơ chế, chính sách mở của Chính phủ cũng như các tỉnh/thành. Theo ông Quất, Chính phủ đã có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” (Đề án 844) với các mục tiêu cụ thể: Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp; Hoàn thiện hệ thống pháp lý; Thiết lập cổng thông tin khởi nghiệp; Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung phát triển ý tưởng dự án, tiếp cận thị trường mới. Đề án nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới.
TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho biết, nhằm nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học – công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển, TP.HCM đã có chính sách công nghệ theo mô hình tiên tiến dành cho các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn. Cụ thể là các tổ chức có lĩnh vực hoạt động chính phục vụ 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí chế tạo; điện tử – công nghệ thông tin; hóa chất, hóa dược – cao su nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Ở chính sách này, thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thương mại hóa sản phẩm… Trong đó có kinh phí phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: Hỗ trợ kinh phí đào tạo và phát triển nhân lực; Hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học không quá 150 triệu đồng; Hỗ trợ hoạt động chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước cho tổ chức khoa học – công nghệ để nghiên cứu phát triển, tạo sản phẩm mới; Hỗ trợ dịch vụ đối với hoạt động chuyển giao kết quả khoa học – công nghệ, cộng đồng khởi nghiệp.
Cơ hội tiếp cận vốn đầu tư thuận lợi
TS. Nguyễn Việt Dũng nhận định, TP.HCM không chỉ là đầu tàu về kinh tế mà còn là cái nôi khởi nghiệp của cả nước. Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia xứng tầm trong khu vực. Các nhà đầu tư đánh giá TP.HCM
là thị trường đầy tiềm năng. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn mở rộng thị trường, phát triển dự án. “Các nhà đầu tư hiện rất quan tâm đến các dự án khởi nghiệp liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục thông minh, công nghệ mới trong y tế…”, ông Dũng nhấn mạnh.
“TP.HCM không chỉ là đầu tàu về kinh tế mà còn là cái nôi khởi nghiệp của cả nước. Thành phố đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia xứng tầm trong khu vực…”, TS. Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho biết. |
Trong khi đó, chuyên gia khởi nghiệp Lê Mỹ Nga (tác giả giải pháp thiết lập hệ thống kết nối nhà đầu tư thiên thần phi lợi nhuận tại TP.HCM) cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội “ngàn năm có một” để có thể vươn vai cùng các nước trong nền công nghiệp 4.0. Theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao, sáng tạo trong các sản phẩm, mô hình kinh doanh mới sẽ được tiếp sức bằng tài chính và cả nhân lực. Theo bà Nga, Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhà đầu tư đánh giá có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững và đầy tiềm năng. Đó cũng là lý do Việt Nam đã có hơn 60 nhà đầu tư mạo hiểm hoạt động, sẵn sàng rót vốn ở khắp các mảng. “Sự thành công của các startup Việt Nam với những khoản gọi vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài như Foody: 64 triệu USD; Tiki.vn: 44 triệu USD; Sendo.vn: 51 triệu USD… đã minh chứng là một thị trường tiềm năng. Đó là chưa kể nhiều startup Việt Nam được thành lập ở nước ngoài cũng được các nhà đầu tư quan tâm như Misfit, GotIt hay Kyber Network”, bà Nga cho biết.
Tuy nhiên, bà Nga cũng đánh giá doanh nghiệp khởi nghiệp nhiều nhưng không phải dự án nào cũng được tiếp cận vốn, điều này đánh mất cơ hội phát triển. Vì vậy, việc tìm kiếm, kết nối nhà đầu tư là cực kỳ quan trọng. Thực tế, tại Việt Nam, hệ sinh thái vườn ươm khởi nghiệp hoạt động khá bài bản nhưng số dự án tiếp cận các nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm còn hạn chế. Thông thường, các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ đầu tư khi dự án đã được thị trường chấp nhận, có doanh thu và các chỉ số tài chính bắt đầu rõ ràng. Trong khi đó, ngay từ đầu các dự án khởi nghiệp trên thế giới hầu hết được nhà đầu tư hỗ trợ vốn và cả con người. “Như vậy, nhiệm vụ đặt ra là thiết lập mạng lưới đầu tư thiên thần, kết nối các chuyên gia trong hệ sinh thái, đặc biệt là chuyên gia có kinh nghiệm nhiều năm trong các lĩnh vực từ tài chính, kinh doanh, chiến lược đến công nghệ các ngành… Đồng thời kết nối chính quyền địa phương, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Từ đó ký kết hợp tác với các chương trình ươm tạo và tăng tốc trên thế giới, hỗ trợ giai đoạn sau cho startup, các chương trình ươm tạo”, bà Nga gợi ý. Là quỹ đầu tư đang hoạt động tại nhiều quốc gia, đến nay Expara (Singapore) đã thành lập 5 quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm hỗ trợ tài chính và chiến lược cho các công ty khởi nghiệp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Expara quan tâm đầu tư các mảng công nghệ y tế, thương mại điện tử, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao… và là đối tác lớn của TP.HCM. Ông Douglas Abrams (Giám đốc điều hành Expara) chia sẻ, Expara Việt Nam luôn quan tâm đến các dự án của startup Việt Nam, đặc biệt là các dự án nghiên cứu và phát triển, sản phẩm nghiên cứu khoa học đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm.
Không chỉ thu hút nhà đầu tư nước ngoài mà doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được nhà đầu tư trong nước quan tâm. Nhằm hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Đỗ Văn Long (Giám đốc điều hành Công ty CP Viet Nam Blockchain) cam kết đầu tư 150 ngàn USD cho các startup tiềm năng. Đồng thời kết nối các nhà đầu tư, đơn vị đối tác trong và ngoài nước với tổng giá trị đầu tư lên đến 350 ngàn USD cho các dự án tiềm năng khác.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri
Bình luận (0)