Thí sinh được phép đăng ký nguyện vọng qua phương thức trực tuyến; được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển 3 lần sau khi có điểm thi bằng phương thức trực tuyến; cơ sở đào tạo “chỉ được gửi giấy báo trúng tuyển khi thí sinh đủ điều kiện”… Đó là những nội dung mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) trong tiết học hóa (ảnh minh họa)
Trước những thay đổi này, nhiều nhà giáo cho hay sẽ tạo ra môi trường thi cử, xét tuyển mang tính chuyên nghiệp hơn, sự cạnh tranh cũng công bằng hơn và người hưởng lợi sẽ là thí sinh. Mặc dù vậy, dự thảo cần chỉnh sửa một số nội dung để phù hợp hơn với tinh thần đó.
Vẫn nên kết hợp điều chỉnh nguyện vọng trên phiếu
Một trong những điểm mới đáng chú ý được nêu ra trong dự thảo là quy định: “Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến”. Quy định này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhiều nhà quản lý giáo dục khi cho rằng điểm mới trên sẽ tạo thêm cơ hội chọn đúng ngành học, trường học cho thí sinh, tăng thêm tính cạnh tranh, đặc biệt là những thí sinh có kết quả thi không quá cao. “Thực tế những năm qua vẫn tồn tại tình trạng thí sinh không tận dụng hiệu quả cơ hội điều chỉnh nguyện vọng. Do chỉ có 1 lần điều chỉnh, nếu các em đã trót điều chỉnh rồi là không thể thay đổi”, cô Hoàng Thị Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức) chia sẻ. Theo cô Hảo, khi đề thi tốt nghiệp THPT đang phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp thì thí sinh học trung bình khá, khá, thậm chí là có học lực giỏi cũng sẽ khó đủ sức cạnh tranh nếu như không chọn được ngành học ở những trường học phù hợp với năng lực. “Việc được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần sau khi có kết quả thi sẽ giúp thí sinh có sự tính toán, nghiên cứu kỹ, với chiến lược điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, khôn ngoan. Các em có thể tính toán lựa chọn các ngành học gần với ngành yêu thích…”, cô Hảo nói.
Cũng đánh giá cao quy định thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần sau khi có điểm thi, cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1) cho rằng quy định sẽ một lần nữa giúp thí sinh “nhìn thẳng vào năng lực học tập của mình thông qua kết quả thi và mặt bằng chung của điểm số”. Từ chính việc nhìn nhận lại năng lực bản thân sẽ giúp thí sinh có sự lựa chọn phù hợp ở ngành học, trường học mình yêu thích. “Các năm trước, thí sinh chỉ được phép điều chỉnh nguyện vọng 1 lần sau khi có kết quả thi, dù với quy định này Bộ GD-ĐT đã hết sức tạo điều kiện cho thí sinh với mong muốn các em có sự thay đổi thứ tự nguyện vọng, điều chỉnh số lượng nguyện vọng, song vì quá cứng nhắc nên đôi khi thí sinh có thể đánh mất cơ hội. Nếu được thay đổi 3 lần thì rõ ràng cơ hội điều chỉnh của thí sinh đã tăng lên, các em có thêm thời gian để suy nghĩ về ngành học, trường học phù hợp với bản thân và gia tăng thêm khả năng trúng tuyển”, cô Tâm nhìn nhận. Ngoài ra, trước thay đổi thí sinh được phép đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ hoặc đăng ký nguyện vọng bằng phiếu, cô Tâm cho biết sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh và nhà trường; tuy nhiên, để hiệu quả thì công tác tập huấn cho nhà trường, thí sinh nên được triển khai sớm.
Dù hoan nghênh về việc thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng 3 lần sau khi có kết quả thi, song một số nhà quản lý giáo dục lại đặt ra băn khoăn khi “thí sinh chỉ được điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến”. Nêu ra những con số về tốc độ đường truyền mạng internet, số học sinh có điện thoại thông minh kết nối mạng…, hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Hóc Môn cho rằng nếu chỉ được thay đổi bằng phương thức trực tuyến có thể sẽ là cách để đẩy mạnh CNTT trong giáo dục, nhưng ở một mặt nào đó gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục còn hạn chế về cơ sở vật chất, gây thiệt thòi cho đối tượng học sinh khó khăn. “Theo tôi, nên kết hợp song song cả điều chỉnh trực tuyến và trực tiếp, tùy trường và tùy đối tượng học sinh áp dụng cho linh hoạt, phù hợp”, vị hiệu trưởng này nói.
Điểm ưu tiên nên đưa về hệ địa phương cử tuyển
Đứng ở góc độ trường ĐH, ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) phân tích: Theo dự thảo quy chế tuyển sinh, năm nay thí sinh được phép đăng ký trực tiếp hoặc đăng ký trực tuyến, giúp các em có nhiều cơ hội để tham gia làm hồ sơ đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, các em học sinh cần phải được hướng dẫn, tập huấn kỹ về kỹ thuật đăng ký xét tuyển trực tuyến để tránh sai sót. Đặc biệt là thông tin về khu vực, đối tượng ưu tiên. Dự thảo cũng quy định sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có 3 lần thay đổi nguyện vọng bằng phương thức trực tuyến, việc này giúp các em có thể chỉnh sửa các sai sót của mình trong quá trình đăng ký xét tuyển. “Điều băn khoăn ở đây là với cách thức này sẽ thuận lợi cho thí sinh ở các thành phố lớn có đầy đủ trang thiết bị nhưng cũng thiệt thòi và khó khăn cho thí sinh ở vùng sâu, vùng xa không có đủ cơ sở vật chất, điều kiện mạng internet”, ông Quán cho biết.
Một nội dung sửa đổi đáng chú ý của dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay là Hội đồng tuyển sinh của cơ sở đào tạo “chỉ được gửi giấy báo trúng tuyển khi thí sinh đủ điều kiện”. Ông Quán đánh giá điều này mang lại sự công bằng trong tuyển sinh, sẽ hạn chế được việc các trường ĐH giữ thí sinh trước bằng việc trúng tuyển có điều kiện, rồi bắt các em đóng tiền giữ chỗ… tạo ra môi trường tuyển sinh không lành mạnh. Trong khi đó, với nội dung sửa đổi: Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc chỉ nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào cơ sở đào tạo theo quy định của quy chế, cô Hoàng Thị Hảo nhận định, nội dung sửa đổi này là vô cùng cần thiết, hạn chế tình trạng các trường ĐH, nhất là trường ĐH ngoài công lập lôi kéo, giữ chân thí sinh bằng việc chấp nhận bản sao giấy chứng nhận kết quả thi, gây tình trạng thí sinh ảo; đồng thời cũng hạn chế tình trạng thí sinh “rải” bản sao giấy chứng nhận ở nhiều trường song không học. Trước thay đổi các cơ sở đào tạo được “Độc lập xét tuyển hoặc tự nguyện phối hợp với nhau thành nhóm cơ sở đào tạo để thực hiện xét tuyển, sở GD-ĐT thống nhất với các cơ sở đào tạo và đơn vị liên quan để thực hiện mức thu, chi kinh phí phục vụ công tác tuyển sinh”, cô Hảo cho rằng là phù hợp và có lợi cho thí sinh, giúp kiểm soát được mức thu, chi phí mà cơ sở đào tạo áp dụng cho việc xét tuyển.
Nhìn nhận về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh năm 2021, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) chỉ rõ, dự thảo có thay đổi mạnh ở quy định thí sinh được chỉnh sửa nguyện vọng 3 lần qua hình thức trực tuyến. Thay đổi này giúp thí sinh có sự thuận lợi hơn, và chính thí sinh điều chỉnh bằng hình thức trực tuyến cũng là một điểm sáng để từ từ tiến tới áp dụng 100% CNTT vào đăng ký nguyện vọng, điều chỉnh nguyện vọng…, giảm bớt thủ tục hành chính và kinh phí cho thí sinh. Tuy nhiên, điểm ưu tiên cần cân nhắc lại. Bởi mục đích xét tuyển ĐH, CĐ là để tìm nhân tài giỏi thật nhưng trong những mùa tuyển sinh trước, có những ngành tuyển 30 điểm thật vô lý, nên chăng điểm ưu tiên không nằm trong chỉ tiêu xét tuyển của trường mà nên đưa về hệ địa phương cử tuyển để phục vụ tại địa phương, đã gọi là thi tuyển thì thí sinh cần phải công bằng như nhau.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)