Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tạo niềm tin cho phụ huynh sát cánh với nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh sát cánh cùng nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh

“Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho ngành GD-ĐT nước nhà nhưng ở một số nơi vẫn còn biểu hiện lệch lạc, lạm thu, lạm dụng trong các hoạt động. Vì thế, chúng ta cần phải đồng lòng quyết tâm tháo gỡ những khó khăn này”. Đây là phát biểu của ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, chủ trì Hội thảo nâng cao chất lượng hoạt động của BĐDCMHS vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Đóng góp của phụ huynh là vô hạn
Giống như nhiều tỉnh thành khác, hoạt động của các BĐDCMHS Hải Phòng đã có những đóng góp vào công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, động viên giáo viên, HS thi đua dạy tốt, học tốt. Tính riêng khối trường ngoài công lập, kinh phí của nhiều trường THPT và hàng trăm trường mầm non trên địa bàn TP đều được huy động từ dân. Nếu bỏ qua yếu tố khổng lồ về cơ sở vật chất, chỉ riêng việc huy động phụ huynh (PH) HS trả lương cho giáo viên khối trường ngoài công lập này cũng lên gần 200 tỷ đồng/năm. Ông Phạm Tuấn Hùng, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hải Phòng cho biết: “Công lao đóng góp của BĐDCMHS ở các trường là rất lớn, ngoài việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục toàn diện, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, hỗ trợ tinh thần và vật chất góp phần xây dựng phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, BĐDCMHS còn hỗ trợ về nhân lực, tài lực, vật lực cho sự nghiệp giáo dục tại các trường”.
Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội phân tích: “Nếu BĐDCMHS thu tiền đồng loạt HS để nâng cấp phòng học hay trang bị thêm máy điều hòa cho HS là sai quy định, nhưng nếu có một công ty hay mạnh thường quân nào đó hỗ trợ nhà trường tu bổ, trang bị cơ sở vật chất cho phòng học thì chúng ta được phép và đưa thẳng vào quyết toán tài chính của nhà trường. Những năm học gần đây, Hà Nội thực hiện theo phương pháp này, BĐDCMHS các trường đã phát động được nhiều cơ quan doanh nghiệp, hiệp hội ủng hộ nâng cao cơ sở vật chất cho nhà trường. Chẳng hạn như Trường THCS Ngô Sỹ Liên đã được một tổng công ty lớn của Hà Nội đầu tư cho tất cả phòng học đều có các máy chiếu, máy điều hòa nhiệt độ… Ngoài ra BĐDCMHS còn phối hợp với nhiều công ty mua sắm các thiết bị vui chơi và sinh hoạt hàng ngày của HS trong trường, tu sửa, trang trí trường lớp khang trang, sạch đẹp…”.
Bàn về việc đóng góp của PH trong sự nghiệp giáo dục TP.HCM, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: “Vai trò của BĐDCMHS TP.HCM đã được khẳng định rõ trong quá trình xã hội hóa giáo dục. Sự đóng góp của PH trong xã hội hóa giáo dục là rất lớn, ngoài ngân sách của TP cấp cho các hoạt động giáo dục, ngân sách xây dựng sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp của BĐDCMHS ở các trường lớn hơn rất nhiều ngân sách mà TP cấp cho các trường. Để làm được điều này, người dân TP đã hiểu và chia sẻ đúng khái niệm xã hội hóa giáo dục như thế nào và chia sẻ các khó khăn với ngành”.
Cần tạo niềm tin cho PH
Bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động của BĐDCMHS còn bộc lộ một số hạn chế gây ra dư luận không tốt cho ngành giáo dục.
Ông Phạm Hữu Hoan cho hay: “Việc bầu cử BĐDCMHS ở một số trường chưa nghiêm, tổ chức hoạt động chưa khoa học, một số đơn vị BĐDCMHS chưa có đầu tư đúng mức trong các hoạt động, mối quan hệ của BĐDCMHS với giáo viên bộ môn chủ yếu tập trung vào dịp lễ Tết. Cá biệt ở một số trường BĐDCMHS chưa thực sự cùng với nhà trường phối hợp để đưa ra các giải pháp triệt để về một số vấn đề gây dư luận xã hội như vấn đề dạy thêm học thêm, vấn đề các khoản thu trong nhà trường…”.
Còn đại biểu Trần Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thành Tài (Đà Nẵng) đưa ra thực tế: “Hoạt động của BĐDCMHS vẫn còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhỏ chưa có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác phối hợp với nhà trường, tự phát đề ra những khoản vận động sai quy định làm suy giảm uy tín của ngành giáo dục, một bộ phận PH buông lỏng quản lý con em, phó thác trách nhiệm cho nhà trường và giáo viên chủ nhiệm làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục HS…”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã bàn bạc, thảo luận và đưa ra rất nhiều giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động và làm thế nào để dư luận luôn có niềm tin vào BĐDCMHS. Bà Trần Thị Kim Thanh cho rằng: “PH có thể có nhiều suy nghĩ khác nhau nhưng trong quá trình hoạt động, nếu BĐDCMHS để PH hiểu những công việc đang làm trong từng trường là vì con em họ và tôn trọng PH thì PH dù khó khăn họ cũng ủng hộ, không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, trí lực. Trong quá trình thực hiện, quan trọng nhất là cách làm, ngoài công khai minh bạch thì làm sao để PH tôn trọng, yêu quý thầy cô, đánh giá đúng sức lao động của từng thành viên trong nhà trường thì sự đóng góp của PH sẽ là vô tận và không còn những ý kiến trái ngược làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)