Các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra "dạ dày mini" đầu tiên bằng phương pháp tế bào gốc, đem lại nhiều hứa hẹn trong nghiên cứu các bệnh loét, ung thư dạ dày và tiểu đường.
Đây là kết quả nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí khoa học Tự nhiên (Nature) của Anh.
Những "dạ dày mini" hay còn gọi là organoid dạ dày này thực chất là những búi mô dạ dày cấu tạo từ những cụm tế bào dạ dày tạo ra từ các tế bào gốc vạn năng.
Nguồn: Getty Images
Khi tiến hành thí nghiệm, các nhà khoa học phải xác định các biến đổi hóa học trong suốt quá trình phát triển phôi khi các tế bào gốc vạn năng biến đổi thành một loại tế bào đặc biệt cấu tạo nên dạ dày.
Sau đó, các nhà khoa học tái tạo các tế bào gốc vạn năng để giúp các tế bào vạn năng phát triển thành các tế bào nội bì cấu tạo nên các ống hô hấp và các ống dạ dày.
Các tế bào nội bì sau khi được tác động hóa sinh trở thành các tế bào hang nơi tiết ra các dịch nhày và hoócmôn dạ dày.
Tuy mới ở giai đoạn đầu và còn rất nhiều nghiên cứu nữa để có thể trở thành một dạ dày hoàn chỉnh nhưng các organoid này cho kết quả hứa hẹn sẽ là "những mảnh vá" cho các vết loét trong đường tiêu hóa khi thử nghiệm trên chuột.
Việc tạo ra các organoid sẽ tạo tiền đề cho việc nghiên cứu bệnh tiểu đường, ung loét dạ dày, béo phì.
Các nhà khoa học tin tưởng các organoid có cấu tạo và cách sắp xếp tế bào khá giống với dạ dày của con người sẽ đem lại hy vọng mới cho việc điều trị các căn bệnh trên./.
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)