Không chỉ là những buổi ra mắt, nhiều tựa/bộ sách đã được các đơn vị tổ chức thành sự kiện giao lưu tương tác, trải nghiệm thú vị cho bạn đọc: vừa được tìm hiểu nội dung tác phẩm, vừa khám phá vẻ đẹp của những giá trị văn hóa.
Ấn tượng ngoài trang sách
Một sự kiện ra mắt sách vô cùng dễ thương và ý nghĩa vừa được Lionbooks tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua: Nội đi chợ zìa, nhân dịp ra mắt tựa sách tranh Mùa hè của nội. Không gian miền Tây Nam Bộ được tái hiện cùng với triển lãm tranh minh họa trong tác phẩm, các món bánh, những vật dụng dân dã của miền sông nước. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức những trò chơi tương tác, trải nghiệm gắn kết các thành viên trong gia đình.
Tham dự buổi ra mắt sách Mùa hè của nội, bạn nhỏ được nghe kể chuyện, nhìn ngắm khung cảnh miền Tây, trải nghiệm các trò chơi và thưởng thức các món bánh dân dã miền sông nước. Ảnh: Lionbooks
Đây không phải là lần đầu tiên Lionbooks tổ chức các sự kiện tương tác sinh động từ sách. Trước đó, đơn vị đã tạo dấu ấn với các sự kiện: Chuyện mùa trăng (nhân dịp ra mắt bộ sách Chuyện mùa trăng, Đủng đỉnh trăng đi) và Tiếng rừng (nhân dịp ra mắt bộ sách viết-vẽ về Tây Nguyên thuộc dự án sách Em yêu Việt Nam mình), workshop chiếu bóng Rừng xanh rì rào (dịp giới thiệu cuốn sách cùng tên).
Khi ra mắt bộ truyện tranh Thị trấn Hoa Mười Giờ của họa sĩ Phan, Công ty sách Du Bút cũng từng tổ chức một buổi showcase đầy sáng tạo với những thiết kế mô hình từ bối cảnh và nhân vật trong truyện. Thị trấn Hoa Mười Giờ kể về các nhân vật nhỏ tuổi, sống ở vùng cao nguyên vào những năm thập niên 1990. Vì thế, những mô hình ngôi nhà, khu vườn, cửa hàng cho thuê truyện, trò chơi hay những món bánh kẹo trẻ con thời ấy yêu thích… tạo sự tò mò cho bạn đọc hôm nay, đồng thời gợi nhớ ký ức tuổi thơ cho nhiều người.
Ngoài ra, các nhân vật cũng bước ra từ trang sách với những thiết kế hình ảnh sinh động, đáng yêu. Sự kết hợp giữa trang viết và sự kiện tương tác này giúp cho Thị trấn Hoa Mười Giờ để lại ấn tượng sâu trong lòng bạn đọc. Với tác giả Phạm Thị Hoài Anh (tác giả Trái tim của mẹ, 15 phút yêu con…), chị luôn nỗ lực tạo sân chơi từ những trang sách cho bạn đọc bằng các sự kiện kết hợp giữa triển lãm, âm nhạc và nghệ thuật sắp đặt tại Hà Nội.
Ngày hội Harry Potter ở Đường sách thu hút đông đảo bạn đọc. Ảnh: Internet
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày bộ truyện Harry Potter có mặt tại thị trường Việt Nam và ra mắt bản minh họa màu tập 5 Harry Potter và Hội Phượng Hoàng, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức một lễ hội hoành tráng, với sự tham gia của hàng trăm bạn đọc mặc trang phục phù thủy, cùng nhiều hoạt động náo nhiệt tại Đường sách TP.HCM. So với các buổi giao lưu, ra mắt sách như thường khi, các sự kiện tương tác bao giờ cũng để lại dấu ấn khác biệt, khó quên cho các tựa/bộ sách.
“Khó khăn lớn nhất chính là nguồn lực"
Chị Nguyễn Chiều Xuân tâm tư: “Các sự kiện văn hóa nghệ thuật dành cho người lớn thì nhiều; nhưng lại khá ít các sự kiện chất lượng cho các bạn nhỏ. Vì ở lứa tuổi các bạn, các sự kiện thường sẽ có tính giải trí nhiều hơn, sôi động hơn. Chúng tôi lại mong muốn tạo ra một sân chơi mang màu sắc nghệ thuật, chủ yếu được lấy chất liệu từ những trang sách để các bạn nhỏ có cơ hội trau dồi thẩm mỹ và khám phá văn hóa nước mình”. Hầu hết các sự kiện Lionbooks tổ chức đều nhằm tôn vinh vẻ đẹp và giá trị văn hóa Việt. Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức các sự kiện sinh động, ý nghĩa tại TP.HCM, Hà Nội, Pleiku, Quảng Nam…
Việc tổ chức các sự kiện tương tác, sáng tạo và… tốn kém cho sách lâu nay vốn không phải điều dễ dàng, với các tác giả lẫn với nhà làm sách. Hình thức thường thấy sẽ là giao lưu, trò chuyện (online hoặc offline). Dự án quảng bá dài hơi hơn sẽ là các chuỗi talk show, đưa tác giả – tác phẩm đến với các trường học. Đây cũng là cách mà nhiều công ty sách/nhà xuất bản đã và đang thực hiện.
Nhà xuất bản Kim Đồng lâu nay đều đặn có hoạt động giao lưu – tác giả tác phẩm tại các trường tiểu học. Chibooks tổ chức chuỗi talk show giới thiệu các tác phẩm thuần Việt tại các trường đại học. Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa qua cũng tổ chức nhiều hoạt động về trường cho nhà văn Isabelle Muller cùng tác phẩm Con gái của chim phượng hoàng, Hội Nhà văn TP.HCM thường xuyên có kết nối giao lưu, quảng bá tác phẩm với sinh viên các trường… Tuy nhiên, đó là những phương thức tiếp cận phổ biến, vẫn chưa thể gọi là những sự kiện tương tác sáng tạo dành cho sách.
Khi được hỏi về việc tổ chức những sự kiện sáng tạo, ấn tượng cho sách, nỗi lo chung và đầu tiên của nhiều người làm sách là vấn đề kinh phí. “Thực ra, khó khăn lớn nhất chính là nguồn lực. Các sự kiện chúng tôi đã làm đều là phi lợi nhuận, chúng tôi gần như phải huy động toàn bộ nhân sự thực hiện tất cả các khâu. May mắn là Lionbooks đã luôn nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác về địa điểm tổ chức, thiết bị, tài trợ, truyền thông… Nếu không, tôi không chắc là đơn vị có thể làm được” – chị Nguyễn Chiều Xuân nói.
Không giống các loại hình nghệ thuật giải trí khác, sách với những giá trị đặc thù không thể in kèm quảng cáo để có chi phí tài trợ. Việc tổ chức ra mắt/các sự kiện quảng bá đều từ nguồn tài chính của tác giả/đơn vị làm sách. Một phần khác còn là “định kiến” dư luận, nếu làm quá, làm khác, có thể bị chỉ trích như một vài trường hợp đã từng: doanh nhân thả khinh khí cầu khi ra mắt sách khởi nghiệp, tác giả chi tiền tổ chức đêm thơ – nhạc cho tác phẩm của mình… Tuy nhiên, cũng đã đến lúc nghĩ đến việc tạo sân chơi tương tác sống động, tạo dấu ấn cho những nhân vật/câu chuyện từ trang sách. Quảng bá sáng tạo cũng là cách tiếp cận công chúng nhanh nhất và tạo thương hiệu, dấu ấn cho cả nhà làm sách.
Theo Lục Diệp/PNO
Bình luận (0)