Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tạo sao người bị điếc đột ngột tăng cao?

Tạp Chí Giáo Dục

Ba tháng gần đây, số người bị điếc đột ngột đến điều trị tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM tăng cao với gần 100 ca/tháng, trong khi những tháng trước đó chỉ có vài chục ca/tháng.

Tạo sao người bị điếc đột ngột tăng cao?
Bác sĩ đang thăm khám cho một phụ nữ tại Bệnh viện Tai mũi họng – Ảnh: THÙY DƯƠNG

Các bác sĩ ghi nhận hầu hết những người bị điếc đột ngột trước đó đều bị chấn thương tâm lý, làm việc quá sức, stress trong cuộc sống và công việc… Thông thường, điếc đột ngột thường tăng vào những tháng cuối năm khi thời tiết lạnh, nhưng ba tháng nay số người bị điếc đột ngột đến điều trị tại Bệnh viện Tai mũi họng lại tăng cao.

Mất 3 tỉ bỗng bị… điếc đột ngột

Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM vừa tiếp nhận một phụ nữ 63 tuổi, ở Tây Ninh bị điếc đột ngột tai bên phải.

Bà này kể buổi sáng thức dậy bà bỗng phát hiện tai bên phải không còn nghe được nữa, sau đó người nhà đưa bà đến Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM để khám bệnh. Tại đây, bà được kiểm tra thính lực và được xác định bị điếc đột ngột.

Bác sĩ hỏi trong cuộc sống của bà gần đây có xảy ra chuyện gì bất thường không? Lúc này bà mới kể cho bác sĩ nghe ngay buổi chiều hôm trước bà nhận được tin mình bị mất 3 tỉ đồng. Người mà bà tin tưởng cho vay số tiền này đã trốn mất.

Bà nói đây là số tiền bà dành dụm cả đời nên rất “sốc”. Sau 10 ngày được điều trị tại Bệnh viện Tai mũi họng, khả năng hồi phục tai phải của bà không cải thiện bao nhiêu. Sau đó, các bác sĩ đã chuyển bà qua Bệnh viện Tâm thần để điều trị tiếp về tâm lý.

Mới đây, một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện nhi trong TP cũng bị điếc đột ngột một bên tai. Bác sĩ được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Tai mũi họng. Sau khi được điều trị, tai của bác sĩ này dần cải thiện do được đưa đến điều trị sớm.

Bác sĩ Dương Thanh Hồng, phó khoa tai đầu mặt cổ, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho biết đa số người phát hiện bị điếc đột ngột vào buổi sáng thức dậy, khi đó họ thấy một hoặc hai tai không nghe được nữa.

Hầu hết người bị điếc một bên, chỉ một số ít người bị điếc cả hai bên. Những người bị điếc hai bên sẽ thấy rất kinh khủng vì chỉ sau một đêm thức dậy bỗng không nghe được gì nữa. Một số người còn có cảm giác chóng mặt, ù tai, nghe tiếng “o…o” trong tai.

Theo bác sĩ Thanh Hồng, số người bị điếc đột ngột đến điều trị ngày càng tăng do hai yếu tố: một là người bệnh có quá nhiều mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống; hai là truyền thông giáo dục sức khỏe tốt vì thế người bệnh biết, đến điều trị.

Nữ điếc đột ngột nhiều hơn nam

Những nguyên nhân gây điếc đột ngột, theo bác sĩ Thanh Hồng, là do nhiễm virút, bị chấn thương, thiếu máu cục bộ, một số nguyên nhân khác như cao huyết áp, tiểu đường… Những bệnh lý này giảm lưu lượng máu đến để nuôi tai nên sẽ gây điếc đột ngột.

Đặc biệt, các bác sĩ ghi nhận phần lớn những người bị điếc đột ngột đến bệnh viện cấp cứu đều bị stress trong công việc hoặc sang chấn tâm lý. Do vậy, khi người điếc được xác định điếc đột ngột, các bác sĩ luôn tìm hiểu xem bệnh nhân bị điếc đột ngột từ nguyên nhân nào.

Một số trường hợp tìm được nguyên nhân sẽ có kết quả điều trị tốt hơn, còn nếu không tìm được nguyên nhân người bệnh sẽ được xếp vào điếc đột ngột vô căn.

Mặc dù tỉ lệ điếc đột ngột của nam và nữ trên thế giới là 1/1 nhưng tại Bệnh viện Tai mũi họng, số nữ bị điếc đột ngột luôn nhiều hơn số nam. Điếc đột ngột là bệnh lý cấp cứu của bệnh tai mũi họng nên được điều trị càng sớm, khả năng phục hồi càng cao.

Những người bị điếc hai bên, điếc một tai nặng thường sẽ đến bệnh viện ngay, còn một số người điếc ở mức độ trung bình hoặc nhẹ lại chủ quan nên 2-3 tuần sau mới đến, đến khi bị điếc nặng hơn mới đi khám. Những người từ ngày nghe không rõ dưới 1 tháng đến bệnh viện các bác sĩ đều phải cho nhập viện.

Theo các bác sĩ, tai trong của cơ thể tiếp nhận thông tin. Nếu trong một thời gian dài (cả tháng) bị thiếu máu nuôi, bị thương tổn kéo dài mà không có thuốc men phục hồi thì tai sẽ bị hư.

Trong tuần đầu đã đến bệnh viện, khả năng phục hồi là hơn 70% trường hợp thính lực sẽ trở về bình thường, còn một tháng sau thì chỉ còn 30% trường hợp thính lực sẽ trở về bình thường.

Đến bệnh viện điều trị trễ cũng có một số người có khả năng phục hồi nhưng chỉ phục hồi khoảng 30% thính lực. Ví dụ điếc rất nặng trở về điếc trung bình chứ không trở về được bình thường.

Để phòng tránh điếc đột ngột, các bác sĩ khuyên phải có một chế độ ăn uống phù hợp với những người bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Ví dụ những người bệnh lý cao huyết áp không nên ăn quá mặn.

Ngoài ra, cần ăn đầy đủ chất, không làm việc quá sức, thời gian ngủ nghỉ phù hợp, nên tập thể dục thể thao, nên tập yoga vì phương pháp này giúp người tập tịnh tâm, chống được stress… Người từng bị điếc đột ngột dễ có nguy cơ bị tái phát nên khi xuất viện, chú ý phòng tránh.

THÙY DƯƠNG/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)