Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tạo sinh kế bền vững để đồng bào dân tộc vươn lên

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3-7-2023 tại TP.Cần Thơ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị Sơ kết 3 năm kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS – MN) giai đoạn 2021-2023 khu vực phía Nam; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2023 – 2025 và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm định hướng triển khai giai đoạn 2026 – 2030…  


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chỉ đạo tại hội nghị

Vùng đồng bào DTTS – MN khu vực phía Nam có 308 xã (chiếm 8,97% xã được phân định của cả nước) tại 13 tỉnh, gồm 246 xã KV I, 7 xã KV II, 55 xã KV III và 356 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) (chiếm 2.69% thôn ĐBKK vùng DTTS – MN của cả nước). Dân số của khu vực khoảng 17.342.195 người, trong đó có 1.724.068 người DTTS (chiếm khoảng 9.94%). Phần đông người DTTS nơi đây sinh sống ở vùng không có nhiều điều kiện thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp và đối diện với nguy cơ cao của tác động biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, hạn hán.

Tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn I (2021 – 2025) của Chương trình MTQG dành cho vùng đồng bào DTTS – MN được bố trí từ ngân sách nhà nước là gần 115 nghìn tỷ đồng với phần vốn vay tín dụng dự kiến gần 20 nghìn tỷ đồng, để thực hiện 10 dự án có tính tổng quát nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực công tác dân tộc. Các nội dung thành phần của chương trình bao phủ hầu hết các mặt của đời sống kinh tế – xã hội với kỳ vọng ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp thiết của đồng bào DTTS như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản, cơ sở hạ tầng thiết yếu, giáo dục, đào tạo nghề… đồng thời hướng tới những vấn đề mang tính chiến lược trong phát triển bền vững như chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng cán bộ…


Quang cảnh hội nghị

Giai đoạn 2021 – 2023, tổng nguồn vốn đã phân bổ của chương trình cho khu vực các tỉnh Nam bộ là hơn 2.277 tỷ đồng. Theo tổng hợp từ các địa phương có báo cáo, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện chương trình đến thời điểm 31-5-2023 của 13 tỉnh khu vực phía Nam là 701,658 tỷ đồng, đạt 25,92%. Một số tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân khu vực và bình quân của cả nước (18,28%) là Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Phước, Tây Ninh. Những tỉnh này  có nhiều cách làm sáng tạo, như tỉnh Kiên Giang đã ban hành quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện  chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh.


Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, chia sẻ về cách làm của TP.Cần Thơ trong nâng cao đời sống đồng bào DTTS

Dù chương trình mới triển khai tại các địa phương từ nửa cuối năm 2022, nhưng bằng sự nỗ lực và chủ động của nhiều địa phương; lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, một số chỉ tiêu ước đến 31-12-2023 đã hoàn thành và vượt kế hoạch được giao như: Tỷ lệ xã, thôn có đường ô tô đến trung tâm, xã được rải nhựa hoặc bê tông. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới, các nguồn điện khác phù hợp và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu khác về con người mà khu vực phía Nam  đạt và vượt so với các khu vực khác là tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề, tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi… Trong đó TP.Cần Thơ nổi bật với những thành quả: Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chỉ còn 113 hộ, chiếm 1,14% tổng số hộ DTTS thành phố và phấn đấu đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 0,76% (tương đương 75 hộ), còn 0,38%, tương đương 38 hộ. Toàn thành phố có 100% hộ đồng bào DTTS có phương tiện nghe, nhìn. Về giáo dục, tỷ lệ trẻ là DTTS học mẫu giáo đạt 99,3%; tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt 95,6%; trung học phổ thông đạt 72,4%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%, tỷ lệ sử dụng nước sạch ở nông thôn đạt 89,5%.


Ban chủ trì hội thảo

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường chia sẻ: “Quan tâm đồng bào DTTS trong thực hiện CTMT quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn ngân sách địa phương, TP.Cần Thơ đã bố trí lồng ghép việc thực hiện chương trình vào việc triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn, với tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 là 69,084 tỷ đồng. Từ năm 2022 đến nay, thành phố đã đầu tư thực hiện 17,792 tỷ đồng/69,084 tỷ đồng, đạt 25,75% so với kế hoạch của giai đoạn 2021 – 2025”.

Tuy nhiên, dù tỷ lệ giải ngân bình quân cao so với các khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung – Tây Nguyên; song tỷ lệ giảm nghèo vùng DTTS  khu vực phía Nam chỉ đạt bình quân 1,89%, chưa đạt mục tiêu kế hoạch. Ông Hà Việt Quân – Chánh văn phòng Chương trình MTQG DTTS – MN, phân tích: “Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:  Đối tượng người DTTS nghèo ở khu vực phía Nam (đặc biệt là Tây Nam bộ) phần lớn thuộc diện nghèo “bền vững”, không tự lập sinh kế và còn tư tưởng trông chờ vào chính sách. Các hộ di dân tự do/hộ người DTTS nghèo sống ở các xã, thôn ĐBKK còn thiếu đất ở, đất sản xuất và  nước sinh hoạt. Dù các chính sách hỗ trợ giải quyết vấn đề này được đưa vào dự án 1, dự án 2 của Chương trình MTQG DTTS – MN nhưng còn những vướng mắc trong quy định cơ chế nên địa phương gặp khó trong tổ chức triển khai; trong khi người DTTS nghèo ở địa bàn này chịu nhiều tác động của tình trạng biến đổi khí hậu tiêu cực…”.


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, và các đồng chí lãnh đạo trao đổi bên lề hội nghị và hội thảo

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc lớn, mang tính nền tảng, tác động đến tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện chương trình giai đoạn I (2021 – 2025) tại các địa phương. Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình cho giai đoạn 2024, 2025 để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình cho cả giai đoạn I. Đồng thời  kiến nghị về cơ chế, chính sách và đặc biệt là những đề nghị điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của các dự án, tiểu dự án cho giai đoạn 2024 – 2025 của các địa phương… Đồng thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện đối với chương trình giai đoạn II (2026 – 2030)…

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận  những đề xuất của các đại biểu; trong đó cần bổ sung các nội dung về mục tiêu, chỉ tiêu tổng thể cần đạt được đến năm 2030 theo phê duyệt tại Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội, như: Thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn: 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Đến 2030 có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS – MN có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH…

Bộ trưởng Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Sau hội nghị này, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành và ban dân tộc, các sở ngành liên quan phối hợp, ngồi lại với nhau, rà soát và xác định những nguyên nhân khiến Chương trình MTQG gặp khó khăn, nguyên nhân cụ thể ở từng dự án và đề xuất biện pháp giải quyết; từ đó Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển đến các cơ quan bộ, ngành TW, tìm  biện pháp tháo gỡ và xây dựng chính sách thực hiện Chương trình tốt hơn trong giai đoạn tới. Ngoài ra đề nghị các địa phương tính toán để thiết kế các dự án thích hợp; vì  nguồn lực kinh phí có giới hạn, nên thay vì thực hiện chính sách an sinh, việc đầu tư  các dự án  thuộc chương trình MTQG vùng DTTS – MN phải có trọng điểm, tránh dàn trải. Đầu tư phải tạo động lực, tạo sinh kế và cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là phát triển giáo dục – đào tạo, để giúp bà con vươn lên; đấy mới là chính sách phát triển bền vững cho đồng bào DTTS và MN”…

Đan Phượng

Bình luận (0)