Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt cần được bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, thói quen và đẩy mạnh kênh phân phối.
Một cuộc khảo sát nhỏ ở các vùng nông thôn cho thấy phần đông người dân chủ yếu vẫn chỉ mua những sản phẩm dễ tìm thấy tại các quầy nhỏ trong xóm, thôn, bản… Vì thế, nếu các doanh nghiệp (DN) VN tập trung mạnh vào khâu phân phối, đưa sản phẩm Việt tới tận các thôn, bản thì sẽ tác động được vào ý thức và thói quen sử dụng của người dân.
Đông đảo bà con đến mua hàng tại hội chợ hàng VN chất lượng cao tại Kiên Giang. Ảnh: HỒNG NGUYÊN
Thắp lửa cho hàng Việt
Thực tế đáng buồn là hiện nay trên thị trường, hàng hóa của VN vẫn có một vị trí khá khiêm tốn so với hàng hóa ngoại nhập. Đa số người dân còn mập mờ trong việc phân biệt hàng nội, hàng ngoại. Thậm chí một số người lại cho rằng cứ cái gì của ngoại là tốt, còn của nội là hàng dỏm, hàng kém chất lượng. Chính vì thế, cuộc vận động người Việt tin dùng hàng Việt xác định phải bắt đầu từ việc thay đổi trong nhận thức đến thói quen sử dụng của người dân.
Kể từ sau phiên chợ đầu tiên vào ngày 3-9-2009, được tổ chức tại tỉnh An Giang, đến nay đã có 50 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” được tổ chức tại 19 tỉnh, thành trên 3 miền đất nước với tổng doanh thu 35,694 tỉ đồng. Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA): “Sau các phiên chợ hàng Việt trên khắp 3 miền, cùng với những cuộc giao lưu, vận động, phần nào đã thay đổi những chuyển biến trong nhận thức của người dân, nhiều nông dân cho biết bây giờ dùng hàng VN thấy an tâm hơn vì có nguồn gốc lại được người bán hàng hướng dẫn sử dụng và cam đoan bảo hành, an tâm hơn nữa vì tin tưởng vào logo Hàng VN chất lượng cao…”.
Đại diện một số DN cho rằng khi đưa hàng về nông thôn, DN không kỳ vọng hiệu quả từ doanh thu mà quan trọng nhất là đưa được thương hiệu hàng Việt tiếp cận thị trường này và giúp nông dân trong việc định hướng tiêu dùng sản phẩm.
Tiếp tục đẩy mạnh kênh phân phối
Ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Chi nhánh miền Tây Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), cho biết: “Việc đẩy mạnh phát triển kênh phân phối là một trong những ưu tiên hàng đầu của Vinamilk. Các DN Việt muốn sản phẩm của mình dễ dàng tiếp cận thị trường này cần tăng cường hơn nữa kênh phân phối”.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn tạo được thói quen sử dụng hàng việt trong nông dân, các DN Việt cần tập trung nguồn nhân lực xây dựng các chương trình khuyến mãi, hậu mãi rõ ràng hơn, duy trì chất lượng qua từng đợt bán hàng. Từ đó, xây dựng các nhà phân phối tại địa phương để đẩy mạnh việc đưa hàng về nông thôn, theo đúng thị hiếu của từng vùng. Đặc biệt là giảm trọng lượng, hạ giá bán sản phẩm cho phù hợp.
Ông Phương chia sẻ kinh nghiệm: “Các DN cần từng bước mở rộng thị trường và phát triển hệ thống phân phối bằng cách khuyến khích nhân viên bán hàng bằng các chế độ lương thưởng thích hợp qua doanh số để họ kiên trì bám trụ địa bàn”.
Ông Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách đại biểu Quốc hội TPHCM: Sử dụng yếu tố dân tộc
Để tạo thói quen sử dụng hàng Việt, giải pháp cơ bản vẫn là tập trung vào việc nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm VN, đồng thời phát triển tốt mạng lưới phân phối nội địa, xây dựng thương hiệu Việt nhằm tạo nên hình ảnh tốt với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần phải có thời gian cho DN VN xây dựng thương hiệu và cơ cấu lại thị trường. Bên cạnh đó, cần có sự hưởng ứng của người tiêu dùng VN theo tinh thần người VN dùng hàng VN. Kinh nghiệm thành công của một số nước về việc sử dụng hàng sản xuất nội địa cho thấy yếu tố dân tộc trong việc tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng. Nó là động lực tinh thần thúc đẩy các DN hướng vào thị trường nội địa.
|
Khánh Mai / NLD
Bình luận (0)