Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp vào chiều 21-4. Nhiều quy định thông thoáng hơn về điều kiện gia nhập thị trường, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong dự luật nhận được sự đồng tình của UBTVQH, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.
Nên có chương riêng về doanh nghiệp nhà nước
Liên quan đến loại hình doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH tán thành ý kiến của cơ quan soạn thảo, theo đó không đưa quy định về DNNN thành chương, điều riêng trong luật này. “Về nguyên tắc, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về loại hình pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế.
Do vậy, việc bổ sung thêm một chương về doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn đến sai lệch kết cấu, bản chất và chức năng vốn có của Luật Doanh nghiệp” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết. Tuy nhiên, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát những nội dung có tính đặc thù liên quan đến thành lập và tổ chức quản lý DNNN để chuyển hóa vào các phần tương ứng trong dự án luật; các nội dung khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật cần cân nhắc đưa vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và các luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lại cho rằng việc dự thảo luật không có chương điều riêng về DNNN là bất hợp lý. Đây cũng là quan điểm được Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ủng hộ. Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nêu vấn đề: “Việc có chương riêng về DNNN – cũng là một loại hình DN, tương tự như DN tư nhân, chỉ khác về chủ sở hữu, không hề tạo ra sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Tại sao dự thảo luật có chương riêng về DN tư nhân mà không thể có chương riêng về DNNN?”.
Chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật. Ảnh: Cao Thăng
Đưa vào luật danh mục cụ thể các ngành nghề bị cấm
Đây là ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Theo ông, tạo thuận lợi hơn cho mọi loại hình hoạt động là tốt, nhưng cũng phải chú trọng đúng mức đến việc phòng ngừa, ngăn chặn những hiện tượng lừa đảo, tiêu cực trong kinh doanh. Việc sửa luật cần cân đối, hài hòa cả hai mặt đó. Song dự thảo lại chưa có chương điều nào mới đặt ra vấn đề kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN. Chủ tịch QH đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật của dự án luật này.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông giải trình thêm: “Để kiểm soát các hành vi gian lận thì phải dựa vào các hiệp hội, đối tác kinh doanh trên thương trường trên cơ sở nguyên tắc mà luật này đặt ra là công khai minh bạch. Hiện danh mục các ngành nghề bị cấm đã có trong những văn bản pháp luật khác nhau, nếu QH cho chủ trương thì cơ quan soạn thảo sẽ gom lại đưa hết vào phụ lục ban hành kèm theo luật này”. Về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Đông cho biết, thực tế kinh doanh luôn biến động, luôn có những ngành nghề mới hoặc yếu tố mới phát sinh, cần điều chỉnh, do đó có thể áp dụng giải pháp quy định trong các luật chuyên ngành.
Bày tỏ quan tâm đến quyền lợi của người lao động, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu ban soạn thảo bổ sung vào các hành vi bị cấm trong dự thảo nội dung “cấm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người lao động”. Ngược lại, về nghĩa vụ của doanh nghiệp, cần có thêm nội dung về trách nhiệm xã hội. Bà Tòng Thị Phóng phát biểu: “Đọc dự thảo luật thì thấy nội dung thanh tra, kiểm tra không có chế tài rõ ràng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng luật khung”.
Sửa luật phải đúng tinh thần Hiến pháp
Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp, dự thảo luật dự kiến bổ sung mới 11 điều, sửa đổi 65/183 điều và bãi bỏ 4/183 điều so với luật hiện hành.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến khác trong UBTVQH yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự luật cho đúng với tinh thần Hiến pháp. Ông Lý tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra – Ủy ban Tư pháp của QH – về thời điểm thông qua luật này và lý giải: “Nếu thông qua luật này trước các luật về tổ chức Chính phủ, QH, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thì phạm vi phải khoanh lại, nếu không sẽ “đụng” rất nhiều, không khéo luật này trái với luật kia, luật sau ban hành ra phải sửa lại luật trước”. Đơn cử, theo ông Lý, quy định về phạt chậm thi hành án như trong dự thảo là trái với Bộ luật Dân sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả thi hành án dân sự có tăng lên so với trước khi có luật nhưng chưa thật bền vững; lượng án tồn đọng tuy có giảm nhưng số việc và tiền chuyển kỳ sau vẫn còn rất lớn và có xu hướng tăng lên (năm 2013 còn tồn 239.144 việc, tăng so với năm 2012 – năm 2012 còn tồn 211.832 việc).
ANH THƯ (SGGP)
Bình luận (0)