Trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 tổ chức tại Lâm Đồng và Bình Phước mới đây, nhiều học sinh bày tỏ muốn học những ngành nghề phù hợp với xu thế phát triển của địa phương. Các chuyên gia cho rằng, việc học sinh chọn ngành như vậy là phù hợp. Khi đó các em không chỉ thỏa mãn được mong ước mà còn góp phần đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển.
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) tư vấn cho học sinh tỉnh Lâm Đồng
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM là đơn vị đồng hành.
Tư vấn học sinh tỉnh Lâm Đồng, em Ka Nhi (lớp 10A, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ: “Em thấy địa phương mình trồng rất nhiều cà phê nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Vậy em nên chọn ngành nghề nào để sau này có thể cải thiện tình trạng trên cho địa phương em?”. TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) khẳng định, việc học sinh có suy nghĩ như vậy rất tốt và đáng hoan nghênh. Theo đó có thể học những ngành: Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, chế biến sản phẩm sau thu hoạch… Nếu muốn tăng năng suất cây trồng, sử dụng phân bón chuẩn quy trình, quy định nhất là đối với những sản phẩm xuất khẩu nước ngoài có thể học ngành bảo vệ thực vật. Ngoài ra, các em cũng có thể học ngành quản trị kinh doanh, marketing, công tác xã hội, ngành ngôn ngữ… để không chỉ quảng bá thương hiệu sản phẩm mà còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. “Lâm Đồng là vùng đất có nhiều lợi thế, nếu các em biết dựa vào đó chọn ngành nghề sẽ đóng góp rất nhiều cho địa phương”, TS. Thanh Mai chia sẻ.
Học sinh tỉnh Bình Phước đặt câu hỏi liên quan đến việc lựa chọn ngành nghề
Về ngành quản trị khách sạn, ThS. Vương Văn Khởi (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho rằng, tỉnh Lâm Đồng có một thành phố giàu tiềm năng về du lịch đó là TP.Đà Lạt. Phát triển du lịch kéo theo đó là phát triển về lưu trú, ẩm thực, dịch vụ tham quan… Khi học ngành quản trị khách sạn, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức liên quan đến hoạt động lễ tân, buồng/phòng, tổ chức sự kiện… Với ngành này, các em không chỉ làm việc ở khách sạn, khu lưu trú mà còn có thể làm việc ở các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm. Từ đó, các em có thể giới thiệu văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh, của dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước. Ngành quản trị khách sạn, các em có thể theo học bậc trung cấp, cao đẳng hoặc đại học tùy theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Ở bậc trung cấp, các em học dịch vụ liên quan đến lễ tân, buồng/phòng. Bậc cao đẳng được nâng cao kiến thức tổng quan về hoạt động trong lưu trú. Đại học đào tạo kiến thức về quản trị, quản lý, marketing… “Hiện nay TP.Đà Lạt không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn đối với du khách nước ngoài. Nếu các em muốn có nhiều cơ hội nghề nghiệp nên học thêm ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh để có thể làm việc ở những khách sạn tiêu chuẩn cao”, ThS. Khởi chia sẻ.
Có kỹ năng mới có thể hội nhập
Tại tỉnh Bình Phước, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động) khẳng định, Việt Nam đang hội nhập trong đó hội nhập toàn diện về thị trường lao động, tạo thị trường lao động tự do dịch chuyển. Thế hệ gen Z vừa là công dân Việt Nam vừa là công dân toàn cầu nên sự cạnh tranh của các em không chỉ đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam mà còn đối với thế giới. Do đó, tỉnh Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung phải chuyển từ nền kinh tế trí thức sang nền tri thức. Có nghĩa là nguồn nhân lực không chỉ có bằng cấp mà còn phải có kỹ năng, tương tác được với công nghệ, thích ứng với nhiều môi trường. Để có được điều đó, các em không chỉ học chuyên môn mà còn học kỹ năng, học bổ sung không ngừng nghỉ để theo kịp tri thức mới, sáng tạo kỹ năng hành nghề.
Học sinh tỉnh Lâm Đồng giao lưu với ban tư vấn
Nói về kỹ năng, ông Lê Anh Bảo (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Swinburne tại Việt Nam) thông tin, thời đại cuộc cách mạng 4.0 đòi hỏi nhu cầu tiếng Anh. Do đó, ngay từ bây giờ các em nên tập trung học tiếng Anh cho thật tốt để lên đại học dễ thích nghi. Nói như vậy không có nghĩa là những học sinh không giỏi tiếng Anh không thể học đại học. Điển hình như tại Trường Swinburne Việt Nam, khi trúng tuyển, nhà trường có chương trình đào tạo tiếng Anh dự bị cho sinh viên. Khi sinh viên rèn luyện khả năng tiếng Anh đạt yêu cầu mới vô học chuyên ngành. Không chỉ vậy, trong quá trình học sinh viên còn được tham gia các chương trình giao lưu sinh viên quốc tế, các hoạt động, phong trào… giúp khả năng tiếng Anh nâng cao…
ThS. Nguyễn Vũ Hoàng (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, nhà trường có ngành ngôn ngữ Anh. Ngành này không chỉ đào tạo sinh viên thành thạo tiếng Anh mà còn cung cấp kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý… của nước Anh. “Đối với ngành ngôn ngữ Anh nhà trường có 3 chuyên ngành: Biên phiên dịch, tiếng Anh thương mại và giảng dạy. Trong quá trình học, các em sẽ có nhiều cơ hội để trao đổi, học tập với sinh viên nước ngoài, từ đó nâng cao kiến thức về tiếng Anh, ra trường có thể bước vào thị trường lao động”, ThS. Hoàng cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)