Tiếp nối nhiều tỉnh thành trên cả nước, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 15 năm học 2022-2023 vừa diễn ra tại tỉnh Gia Lai. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, ĐHQG TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đã mang những thông tin về các ngành nghề đặc trưng cho học sinh phố núi…
Chuyên gia tư vấn cho học sinh tỉnh Gia Lai
Những nhóm ngành tiềm năng
Tư vấn cho các em học sinh, ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động) cho rằng, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh có nhiều sự lựa chọn. Lựa chọn nào không quan trọng, quan trọng là các em phải hiểu mình để chọn ngành nghề phù hợp với đam mê, năng lực và xu hướng xã hội. Theo đó, ông Tuấn đã gợi ý những nhóm ngành nghề có tiềm năng trong tương lai như: Công nghệ thông tin; kinh tế, tài chính; du lịch; sư phạm; y dược; công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học… “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với tri thức, nhưng kỹ năng và thái độ cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công. Do đó, các em phải cố gắng và trau dồi để trang bị cho mình nền tảng vững chắc khi bước vào đời. Khi có đầy đủ những yếu tố trên thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở, đi đến đâu cũng tìm được việc”, ông Tuấn nhắn gửi.
Để các em học sinh hiểu rõ về các ngành nghề, ThS. Nguyễn Nhật Tài (Phó Trưởng phòng Thông tin và truyền thông Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết, có nhiều lĩnh vực nghề, mỗi lĩnh vực có những ngành đào tạo khác nhau. Trong đó lĩnh vực khoa học kỹ thuật có những ngành như: Toán học, vật lý, hóa học, công nghệ sinh học, điện tử viễn thông, kiến trúc, xây dựng… chiếm 35% trong tổng tỉ trọng các ngành nghề của Việt Nam hiện nay. “Việt Nam muốn phát triển phải phát triển khoa học kỹ thuật vì vậy yêu cầu của ngành nghề này trong tương lai rất cao”, ThS. Tài khẳng định.
ThS. Tài cho biết thêm về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn có những ngành như luật, báo chí, truyền thông, tâm lý. Lĩnh vực kinh doanh quản lý liên quan đến những ngành về tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh, quản trị nhà hàng khách sạn. Đặc biệt, lĩnh vực sư phạm có những khối ngành liên quan đến khoa học giáo dục, quản lý giáo dục, đào tạo giáo viên, giảng viên. Trong khối ngành này có nhiều cấp độ. Các em muốn trở thành giáo viên mầm non yêu cầu phải học ở các trường từ bậc cao đẳng trở lên, muốn làm giáo viên tiểu học, THCS, THPT phải học đại học. Theo thống kê, đến năm 2026 nước ta thiếu khoảng 106 ngàn giáo viên ở các cấp học. Cho nên đây là lĩnh vực học sinh có thể quan tâm lựa chọn.
ThS. Tài cũng lưu ý, trong các lĩnh vực ngành nghề, lĩnh vực an ninh quốc phòng, công an, quân đội đòi hỏi người học phải đạt nhiều tiêu chuẩn: Lý lịch, sức khỏe, độ tuổi, ngoại hình… Không chỉ vậy, các em phải trải qua vòng sơ tuyển trước khi xét tuyển vào các trường đại học. “Trước những yêu cầu khắt khe, những em có mong muốn học những ngành liên quan đến an ninh quốc phòng, công an, quân đội phải có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ để trúng tuyển vào những ngành mà mình yêu thích”, ThS. Tài khuyên.
Đào tạo lý thuyết song song thực hành
Giải đáp cho học sinh về ngành truyền thông đa phương tiện, ThS. Võ Minh Tiến (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết, đây là ngành nằm trong lĩnh vực truyền thông, chuyên tạo ra những sản phẩm như: Các bài báo mạng, tạp chí, quảng cáo, video clip, phim ảnh… Học ngành này sinh viên được đào tạo kỹ năng viết lách, cách sản xuất chương trình, cách viết kịch bản, làm phóng sự, kỹ năng làm clip… Bên cạnh đó, các em còn được làm quen với các phần mềm để ứng dụng vào việc tạo ra sản phẩm truyền thông.
Học sinh tỉnh Gia Lai nhờ chuyên gia giải đáp thắc mắc trong việc lựa chọn ngành nghề
ThS. Tiến cho hay, sinh viên học ngành truyền thông đa phương tiện tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM được đào tạo lý thuyết song song với thực hành. Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các cuộc thi làm phim ngắn, hội thảo, talkshow cũng như các ngày hội việc làm để tiếp cận thực tế đồng thời tìm cơ hội việc làm. “Truyền thông đa phương tiện là ngành thiên hướng về nghệ thuật nên đòi hỏi người học phải có khả năng viết lách, tính thẩm mỹ, sáng tạo. Ra trường, các em có thể làm ở các công ty truyền thông, marketing, biên tập viên, phóng viên ở các cơ quan báo, đài, các em cũng có thể làm ở các hãng phim… ”, ThS. Tiến chia sẻ.
Trong chương trình, nhiều học sinh bày tỏ quan tâm đối với ngành tài chính ngân hàng, ThS. Huỳnh Vũ Chi (Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, ngành tài chính ngân hàng là ngành học khá rộng liên quan đến tất cả các dịch vụ giao dịch tài chính lưu thông và vận hành tiền tệ. Theo đó, sinh viên học ngành tài chính ngân hàng được cung cấp kiến thức về lĩnh vực phân tích tài chính, về thực hành các nghiệp vụ trong ngân hàng, dự báo tài chính, tiền tệ… Bên cạnh đó, người học còn được rèn luyện bản lĩnh và khả năng tự nghiên cứu, kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết phục khách hàng, tư duy phản biện… “Tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, ngành tài chính ngân hàng được đào tạo song ngữ. Trong quá trình học, sinh viên không chỉ được đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn được đi thực tập, thực tế tại các ngân hàng, doanh nghiệp. Điều đặc biệt nhà trường còn thường xuyên tổ chức các ngày hội việc làm để sinh viên kết nối với doanh nghiệp và tìm cho mình vị trí việc làm tốt ngay sau khi tốt nghiệp”, ThS. Chi cho biết.
Hồ Trinh
Bình luận (0)