Hãy tập cho con trẻ ý thức lao động ngay từ bé, biết lao động vừa sức mình. Ảnh: T.L |
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhận định: “Thực tế cho thấy việc giáo dục con cái lao động không nhất thiết phải là các công việc nhà mà ngay từ nhỏ, phải lưu tâm về việc trẻ tự phục vụ chính mình. Những nghiên cứu chuyên biệt về giáo dục lao động cho trẻ đã minh chứng rằng việc dạy cho trẻ tự phục vụ bản thân làm cho trẻ nhận thức được giá trị của sức lao động. Lâu dần trẻ sẽ yêu hơn lao động và nhận ra lao động là trách nhiệm của chính mình trong cuộc sống”.
Những sai lầm thường gặp
Không ít trẻ con ngày nay cảm thấy việc thực hiện lao động là những cực hình. Hệ lụy không chỉ dừng lại ở việc trẻ chán thực hiện những công việc nhà, dần dần cảm thấy lao động là gánh nặng, lâu dần hơn sẽ lười biếng, ỉ lại và trẻ cảm nhận rằng nếu có tất cả mọi thứ thì sao phải cố gắng, sao phải nỗ lực… Nhu cầu thụ hưởng và nhu cầu thỏa mãn khi có người phục vụ trở thành điều dễ thấy…
Câu chuyện của bé Tuấn không phải xa lạ trong nhiều gia đình ngày nay. Cứ mỗi lần thực hiện công việc gì, cha mẹ phải nói rõ cái giá mà cậu được trả. Mỗi điểm 10 là bao nhiêu tiền. Một lần dọn chén, giăng mùng đều được quy đổi bằng số tiền tương ứng. Hay mỗi nụ hôn, mỗi sợi tóc bạc của bà đều được thực hiện bằng những giá trị cụ thể bởi những con số. Lâu dần, Tuấn trở nên ích kỷ đến mức đi mua thuốc cho mẹ cũng đòi tiền… Cả nhà đã xảy ra một trận thư hùng trong cách dạy con khi mọi sự có vẻ diễn tiến quá trầm trọng, đáng sợ…
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, khoảng sau những năm 2000 đến nay, việc giáo dục lao động đối với học sinh các cấp giảm hẳn đi có thể do nhiều nguyên nhân. Yêu cầu về giáo dục lao động ở gia đình không còn được chú trọng, thậm chí bị coi nhẹ. Áp lực bài vở và thi cử khá nặng nề. Các hình thức lao động trước đây trong sự tư vấn của nhà trường với gia đình không còn phù hợp. Một số bậc phụ huynh cũng lúng túng, chưa tìm ra hình thức giáo dục lao động mới, thích hợp. Đời sống ở một số gia đình đã nâng lên đáng kể, sinh ít con, hầu hết trẻ em không phải và không được lao động như trước đây. Nhiều gia đình đã đặt mục tiêu tối đa vào việc học của con, vào sự đầu tư cho tương lai ở những nghề nghiệp hot, vào quan niệm phải làm chủ… dẫn đến việc các em học sinh bị tách khỏi môi trường giáo dục lao động ở gia đình… Những nguyên nhân trên làm cho việc giáo dục lao động đối với trẻ em bị hạn chế rất nhiều, tạo nên những yếu kém về ý thức – kỹ năng lao động và kỹ năng sống, kéo theo những hệ quả yếu kém khác, tạo nên sự thiếu hụt nghiêm trọng về chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ. Sự thiếu hụt ý thức lao động, kỹ năng lao động của học sinh hiện nay không phải là vấn đề thuộc về nhà trường mà còn là hệ lụy từ phía tất cả các bậc phụ huynh chưa giáo dục con mình ý thức lao động, trách nhiệm lao động và tinh thần lao động là cần thiết, là vinh quang của bản thân trong quá trình khẳng định.
Nên tặng cho trẻ những lời khen ngợi
Việc tập cho con trẻ lao động từ nhỏ giúp trẻ được cơ hội thể hiện mình, giúp trẻ dần yêu thích lao động, nhận ra rằng chỉ có lao động mới làm cho con người được tôn vinh. Bất kỳ lao động nào, dù nặng hay nhẹ, dù có được ít hay nhiều tiền, dù ở vị trí này hay vị trí khác chỉ cần đúng pháp luật, chỉ cần được xã hội cho phép và mình thấy cần thiết nghĩa là đáng được trân quý…
“Khi giáo dục trẻ lao động trong gia đình, vấn đề quan trọng là cha mẹ cần tặng thưởng cho trẻ dù là những nỗ lực nhỏ nhất và lời khen ngợi càng cụ thể càng tốt. Thay vì nói “Giỏi lắm con!”, cha mẹ hãy nói “Con giỏi lắm vì đã giúp mẹ quét nhà sạch sẽ.” Thậm chí những lời cảm ơn của bạn dành cho trẻ cũng có thể đó là một sự khen ngợi mà ít phụ huynh nào làm được điều này. “Cảm ơn con vì đã phụ giúp mẹ làm việc nhà, cảm ơn con vì hôm nay không làm ồn khi bố làm việc mà còn phụ mẹ tưới cây”. Hãy nói với con rằng bạn đã thấy ấn tượng như thế nào về những hành vi đó. Khen ngợi những việc trẻ làm luôn có tác dụng tích cực hơn nhiều so với việc chúng ta khen ngợi chính bản thân trẻ. Khen hành vi sẽ cho trẻ nhìn nhận và đánh giá được hành vi tích cực mà bản thân đã thể hiện và sẽ cố gắng có những hành vi phù hợp tương xứng với những lời đã được khen ngợi. Chẳng hạn thay vì khen “Con rất ngoan chiều nay”, bạn hãy khen “Con đã rất ngoan vì chiều nay đã chơi cùng em để mẹ nấu cơm”. Những tác động tích cực đối với hành vi lao động của trẻ đem đến cảm xúc bất tận và thái độ hiệu quả hơn về trách nhiệm của mình đối với lao động… Hãy tập cho con trẻ ý thức lao động ngay từ bé, biết lao động vừa sức mình” – PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đúc kết!
Minh Thành
Bình luận (0)