Hội nhậpThế giới 24h

Tập đoàn dầu khí Nga kiện chính phủ Đức

Tạp Chí Giáo Dục

Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft đã đệ đơn kiện chính phủ Đức vì nắm quyền kiểm soát các nhà máy lọc dầu của hãng tại nước này.
Đức nắm quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu Schwedt ở Brandenburg, từng thuộc tập đoàn dầu khí Nga Rosnef.
"Chúng tôi xác nhận đã tiếp nhận đơn kiện” – Tòa án Hành chính Liên bang ở thành phố Leipzig, miền đông nước Đức nói với AFP.
Tháng trước, Berlin đã nắm quyền kiểm soát các công ty con của Rosneft tại Đức, chiếm khoảng 12% công suất lọc dầu tại nước này và đặt chúng dưới sự ủy thác của Cơ quan Mạng Liên bang.
Các luật sư đại diện cho Rosneft trong vụ tranh chấp đưa ra tuyên bố giải thích hành động pháp lý nhắm vào Bộ Kinh tế và Khí hậu của Đức.
Công ty luật Malmendier cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn hôm 13.10: “Các yêu cầu thực tế… đối với lệnh cưỡng chế quản lý không được đáp ứng. Rosneft luôn thực hiện cam kết của mình tại Đức và các hợp đồng thương mại hiện có không bị ảnh hưởng chính trị, bất chấp xung đột ở Ukraina”.
Berlin cho biết động thái kiểm soát các công ty con của Rosneft vào tháng trước là cần thiết để chống lại "mối đe dọa đối với an ninh năng lượng", khi quan hệ với Mátxcơva suy giảm và Đức đang vội vàng cắt bỏ dầu mỏ của Nga.
Các chi nhánh tại Đức của Rosneft điều hành ba nhà máy lọc dầu tại nước này, bao gồm nhà máy lọc dầu PCK Schwedt cung cấp phần lớn lượng dầu tiêu thụ ở thủ đô và khu vực xung quanh, bao gồm cả sân bay Berlin-Brandenburg.
Cơ sở chế biến dầu thô nhà máy lọc dầu PCK-Raffinerie ở Schwedt. Chính phủ Đức nắm quyền kiểm soát nhà máy từng thuộc tập đoàn dầu khí Nga Rosneft này.
Vào tháng 4, Đức đã thực hiện bước đi chưa từng có khi tạm thời nắm quyền kiểm soát các công ty con của tập đoàn dầu khí Gazprom ở Đức, sau khi một cuộc chuyển giao quyền sở hữu không rõ ràng đối với công ty này đã gây ra hồi chuông cảnh báo ở Berlin.
“Trường hợp của Rosneft về cơ bản khác với trường hợp của Gazprom” – công ty luật Malmendier nói.
Trước khi nổ ra chiến sự Ukraina, Gazprom cung cấp khoảng 55% nhu cầu khí đốt tự nhiên của Đức. Tuy nhiên, Gazprom đã cắt giảm việc cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream sau tháng 2 và ngừng hoàn toàn vào cuối tháng 8.
Cuộc xung đột Nga – Ukraina đã gây ra một “trận động đất” về năng lượng ở Châu Âu và đặc biệt là ở Đức, với giá khí đốt tăng chóng mặt do Mátxcơva siết chặt nguồn cung.
Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước này phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Các thỏa thuận năng lượng với Nga từ lâu đã được coi là một phần trong chính sách gìn giữ hòa bình của Đức thông qua hợp tác với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Năng lượng giá rẻ do Nga cung cấp cũng là chìa khóa giúp hàng hóa xuất khẩu của Đức có tính cạnh tranh. Kết quả là, thị phần khí đốt của Nga tại Đức đã tăng lên 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu trước xung đột Ukraina.
Nhưng cách tiếp cận đó đã trở lại ám ảnh nước Đức và Berlin đã thực hiện bước đi chưa từng là nắm quyền kiểm soát các công ty con của tập đoàn dầu khí Nga tại Đức như đã nêu ở trên.
Đức cũng đang cố gắng tìm kiếm các nguồn năng lượng mới khi các nguồn cung cấp từ Nga cạn kiệt. Chính phủ Đức cũng đã thực hiện một bước đi rõ ràng là tăng cường các nhà máy điện than, đồng thời đưa hai nhà máy điện hạt nhân vào chế độ chờ thay vì loại bỏ chúng hoàn toàn như kế hoạch vào cuối năm.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)