Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tập đoàn nhà nước đuối sức vì lãi vay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thiếu vốn sản xuất, lãi suất cao, sức tiêu thụ của thị trường giảm khiến nhiều tập đoàn doanh nghiệp nhà nước đang đối mặt với việc lỗ nặng, thậm chí phải đóng cửa trong thời gian tới.

Tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm 2011 ngày 4-7, Bộ Công Thương dự báo trong các tháng tới nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, lạm phát có thể giảm nhưng vẫn ở mức cao, nhập siêu cao, tăng trưởng thấp, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập trong khi lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, 6 tháng đầu năm Tập đoàn xuất khẩu được trên 6,16 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất. Cái khó với các doanh nghiệp là giá cả các nguyên vật liệu liên tục tăng, dẫn tới kim ngạch nhập khẩu các nguyên, phụ liệu dệt may tới 5,7 tỷ USD.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn nhiều. Qua khảo sát doanh nghiệp thuộc tập đoàn, cho thấy sau 6 tháng đầu năm chịu lãi suất cao, sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp đều rất khó khăn. Mục tiêu của tập đoàn là phải đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo giữ được thị trường, thị phần.
“Với việc thu xếp vốn gặp nhiều khó khăn từ năm 2010 đến nay, cộng thêm lãi suất cao sẽ dẫn đến các dự án trọng điểm của dệt may đều bị chậm trễ. Về lâu dài, việc chậm trễ trong đầu tư sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng giai đoạn tới, đặc biệt là các dự án nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa 60% tới năm 2015” – Ông Trường cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường, cho biết, giá đầu vào nguyên liệu cơ bản như quặng sắt, than, xăng dầu, thép phế đều tăng so với trước cộng với lãi suất ngân hàng cao khiến nhiều doanh nghiệp thép có thể phải đóng cửa.
“Với lãi suất hơn 20% thì rất khó có doanh nghiệp nào đảm bảo sản xuất hiệu quả. Đề nghị Bộ Công Thương có hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm nhằm hạn chế nhập siêu. Như ở các nước họ còn giảm thuế VAT, giảm thuế xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp”- Ông Cường nói.
Là tập đoàn lớn, có nguồn lực nhưng Tập đoàn Công nghiệp than & khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn gặp khó khăn do bị đối tác nợ tiền quá nhiều. Theo Tổng giám đốc TKV (Vinacomin) Lê Minh Chuẩn, TKV bị ngành điện nợ hàng nghìn tỷ đồng tiền điện.
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng cho biết Tập đoàn Điện lực VN đang nợ Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam 6.436 tỷ đồng tiền điện, đó là chưa bao gồm 895 tỷ đồng phí vận hành và quản lý nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1 và 2.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã phối hợp cùng đơn vị liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tài chính của EVN và đã được Thủ tướng chỉ đạo xử lý tài chính để EVN sớm vượt qua khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cũng như có căn cứ để thu hút đầu tư.

Phạm Tuyên / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)