Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập huấn công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 17-4, tại TP.Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tập huấn về công tác thi tốt nghiệp THPT năm  2023. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị, cùng dự có hơn 400 đại biểu là các thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cấp quốc gia; đại diện lãnh đạo các cục, vụ (Bộ GD-ĐT); đại diện lãnh đạo 61/63 sở GD-ĐT và cán bộ phòng quản lý chất lượng, khảo thí của 63 sở GD-ĐT trên cả nước…


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT- Trưởng BCĐ cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023  Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, công tác chuẩn bị hết sức quan trọng, quyết định đến thành công của kỳ thi. Thứ trưởng yêu cầu các đại biểu cần tập trung cao độ, trao đổi các vấn đề trên tinh thần xây dựng, cầu thị, thẳng thắn. Các báo cáo viên giải thích, lưu ý những điểm mới, những vấn đề cần lưu ý trong quy chế, hướng dẫn thi, những lỗi thường gặp hay những vấn đề liên quan khác như phần mềm, tổ chức điểm thi, những thiết bị công nghệ cao có thể dẫn tới gian lận trong thi cử như ChatGPT… Tiếp nhận, tiếp thu, giải thích tối đa các câu hỏi, những băn khoăn, vướng mắc của các Sở GD-ĐT. Phân tích, giải thích trực quan, ví dụ cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện.

Sau hội nghị, tập hợp theo nhóm vấn đề mà các sở GD-ĐT đã nêu câu hỏi. Vấn đề nào đã trả lời thỏa đáng tại hội nghị; những vấn đề nào cần tập hợp, nghiên cứu cần trả lời, hướng dẫn bằng văn bản.

Thứ trưởng lưu ý các sở GD-ĐT tập trung vào 5 nội dung, trong đó cần nêu những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong quá trình thực hiện lâu nay mà chưa được hướng dẫn, giải thích và tháo gỡ. Qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và căn cứ tình hình năm nay và những điểm mới trong hướng dẫn thi, dự báo những vấn đề gì có thể xảy ra, nảy sinh, có thể dẫn tới ảnh hưởng chất lượng kì thi. Điều này vô cùng quan trọng, vì khi làm văn bản không thể lường hết trước được, khi đi vào thực tiễn mới phát sinh. Đề xuất các giải pháp đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả của đơn vị mình.


Các đại diện ban ngành, cục, vụ và các Sở GD-ĐT trên cả nước tham gia hội nghị tập huấn

“Sau hội nghị này, các đồng chí về tổ chức các hội nghị tập huấn theo kế hoạch, với tinh thần lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, cá thể hóa đối tượng tập huấn (lãnh đạo hội đồng/thư kí/giám thị coi thi, chấm thi/cán bộ phục vụ…). Lưu ý tập huấn cá thể với các cán bộ lần đầu tham gia. Chúng tôi yêu cầu tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ, tham gia tổ chức kì thi đều phải được tập huấn về quy chế thi, hướng dẫn thi và tập huấn sâu về chức trách nhiệm vụ của mình”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các sở cần khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh; khi điều kiện cho phép, thành lập các các điểm thi, hội đồng thi… Kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của Bộ như quy chế, hướng dẫn…; thể chế hóa thành văn bản chỉ đạo của ban chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai ngay để có thời gian nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch các nhà trường, điểm thi, hội đồng thi. Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo và những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho công tác thi.

Chuẩn bị nhân lực tham gia kì thi. “Hàng vạn người tham gia tổ chức kì thi, một sai sót nhỏ của cá nhân, phòng thi, điểm thi… có thể làm ảnh hưởng đến cả kì thi của toàn quốc”, Thứ trưởng lưu ý.

Thứ trưởng cũng cho rằng, cần hết sức quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra mọi khâu mọi công đoạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho kì thi. Kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm trọng điểm.

Để tổ chức tốt kỳ thi, Thứ trưởng nêu lên cụm từ khóa “4 đúng, 3 không” với mong muốn các sở GD-ĐT cấp tỉnh, thành phố vận dụng phù hợp. Bốn đúng là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm (kịp thời xử lí tình huống, sự cố bất thường). Đồng thời 3 không là: Không lơ là, chủ quan; Không tự ý xử lí tình huống, sự cố bất thường. Khi có sự cố, tình huống bất thường, cần báo cáo ngay theo từng cấp độ, đúng quy trình để thống nhất xử lí; Không căng cứng, áp lực thái quá. Điều này có thể dẫn tới mất đi sự linh hoạt, chủ động.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)