Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tập huấn công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho trường tiểu học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong 2 ngày 9 và 10-12, trên 700 cán bộ quản lý, nhân viên phụ trách bán trú các trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã được tham gia vào các lớp tập huấn công tác tổ chức bữa ăn bán trú đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý.

Chương trình tập huấn do Bộ GD-ĐT triển khai, nhằm hướng dẫn cho các nhà trường về công tác quản lý tổ chức bữa ăn bán trú, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý nhằm triển khai áp dụng hiệu quả phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” thuộc dự án Bữa ăn học đường; Hướng dẫn chế biến bữa ăn bán trú đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý; Hướng dẫn thao tác thực tế áp dụng thực đơn thuộc phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng”.

Tại buổi tập huấn, TS.BS Lê Văn Tuấn – chuyên viên cao cấp, Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT nêu lại khái niệm về bữa ăn học đường là bữa ăn cung cấp năng lượng, dinh dưỡng cho học sinh. Bữa ăn học đường có vai trò quan trọng khi là cấu phần quan trọng trong khẩu phần ăn cả ngày của học sinh, đảm bảo dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu theo tuổi, cải thiện tăng trường ở trẻ em, học sinh. Thông qua bữa ăn học đường góp phần nâng cao, cải thiện kiến thức thực hành dinh dưỡng cho học sinh; Phát triển kỹ năng giao tiếp, thực hành qua “tự phục vụ”; Hình thành thói quen ăn uống khoa học, có lợi; Hỗ trợ kiểm soát, dự phòng bệnh liên quan đến dinh dưỡng…

Ông nhấn mạnh sự cần thiết kết hợp bữa ăn học đường và tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh tại trường học. Bữa ăn đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực phù hợp lứa tuổi giúp học sinh phát triển hài hòa, toàn diện về cả thể chất, trí tuệ, tinh thần; giảm nguy cơ bệnh không lây nhiễm; có sức khỏe tốt, học tập tốt, từ đó là nền tảng để xây dựng nguồn nhân lực tốt.

Trong 2 ngày, trên 700 cán bộ quản lý, nhân viên bếp ăn, cấp dưỡng các trường tiểu học TP.HCM được tập huấn về công tác tổ chức bữa ăn bán trú

Dù vậy, chuyên gia này đánh giá, hiện nay thực trạng tổ chức bữa ăn học đường tại các trường tiểu học trên địa bàn cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn còn gặp khó khăn. Tính đến năm học 2019-2020, số trường tiểu học tổ chức bữa ăn là 33,3% và 22% trường có bếp. Các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất; thực đơn chưa xây dựng theo nhu cầu học sinh… Đặc biệt gần 40% trường có bếp chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.

Riêng về công tác tổ chức hoạt động thể lực tại các trường tiểu học, thống kê năm học 2019-2020 cho thấy vẫn còn một số hạn chế như nhận thức của một số nhà trường về sự cần thiết của giáo dục thể chất chưa đầy đủ; hoạt động thể thao trường học hiệu quả chưa cao; cơ sở vật chấy chưa phù hợp với xu thế; đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng…

Từ những đánh giá và phân tích trên, TS.BS Lê Văn Tuấn lưu ý các nhà trường về nguyên tắc chung trong tổ chức bữa ăn bán trú; các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm; tổ chức khu vực bếp ăn; tổ chức giờ ăn học sinh và giáo dục dinh dưỡng.

Cuối cùng, ông nhấn mạnh vai trò phối hợp của nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tổ chức bữa ăn bán trú. Trong đó gia đình quyết định đến 50% chất lượng bữa ăn học đường… Nhà trường phải hiểu về vai trò của bữa ăn học đường có sự tham gia của phụ huynh, tưd đó đẩy mạnh các biện pháp truyền thông chia sẻ để phụ huynh hiểu, đồng hành, hiến kế cho nhà trường trong tổ chức bữa ăn. “Nếu chỉ có nhân viên y tế, nhà bếp, nhà trường thì không thể làm trọn vẹn bữa ăn học đường được…” – ông Tuấn nêu.

Dinh dưỡng hợp lý bữa ăn học đường tác động đến sức khỏe, thể lực, trí tuệ học sinh

Quy trình 5 bước vận hành bếp ăn bán trú

ThS. Bùi Thị Minh Thư – nguyên Trưởng bộ môn Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM lại nêu rõ về quy trình vận hành bếp ăn bán trú cần có 5 bước: Tiếp phẩm; sơ chế; chế biến; phục vụ; vệ sinh. Trong đó, các yếu tố cần quan tâm là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; giữ tối đa chất dinh dưỡng của món ăn; giữ được độ ngon miệng của món ăn.

Theo ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay, nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh học sinh, hầu hết các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đều tổ chức bán trú. Hàng năm công tác tập huấn về tổ chức bữa ăn bán trú, đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý tại nhà trường, tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nước sạch – vệ sinh môi trường luôn được ngành giáo dục TP quan tâm, đẩy mạnh.

“Chương trình tập huấn một lần nữa giúp các nhà trường nhận thức đúng đắn nhất vai trò của bữa ăn học đường đối với sức khỏe học sinh, đặc biệt là vai trò phối hợp với phụ huynh học sinh trong tổ chức…” – ông đánh giá.

Cũng tại chương trình tập huấn, cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học được chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ về văn hóa ẩm thực vùng miền đối với bữa ăn, nguyên tắc, kỹ thuật chế biến món ăn, hướng tới việc chế biến món ăn đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý và ngon miệng phù hợp cho học sinh.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)