Năm học mới bắt đầu. Các thầy cô giáo trở lại trường với lứa học sinh mới và với tâm trạng lo lắng bởi “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, mà lứa học sinh nào cũng vậy. Năm học vừa qua, vài thầy cô đã đi dạy nhiều năm, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, luôn yêu nghề mến trẻ. Thế nhưng, chỉ một phút không kiềm chế được cơn giận, chỉ một lần xử lý tình huống thiếu sư phạm, các thầy cô ấy đã trở thành “tội đồ”, bị xã hội lên án. Bao cống hiến, bao uy tín của các thầy cô ấy đã “đổ sông đổ biển”. Chính vì thế, hiện nay người thầy không chỉ tu dưỡng đạo đức nhà giáo, luôn học tập nâng cao trình độ, rèn luyện tay nghề vững vàng mà cần phải tập kiềm chế cảm xúc.
Nhiều nhà tâm lý học đã đưa ra các biện pháp giúp mọi người kiềm chế cơn giận, thầy cô giáo cũng có thể áp dụng các biện pháp này trong quá trình giảng dạy. Đứng trước một tình huống học sinh làm thầy cô bực bội, tức giận, thầy cô hãy tập cách “hạ nhiệt”. Vài cách thức mà nhiều thầy cô đã áp dụng mang lại hiệu quả như ngừng suy nghĩ về chuyện vừa xảy ra, hãy nghĩ về chuyện khác (bước ra ngoài uống nước, nhìn cây cối trong sân trường hay qua lớp bên cạnh hỏi đồng nghiệp việc gì đó). Cách thứ hai, thầy cô hãy nghĩ đến hậu quả việc mình tính xử lý học sinh. Chẳng hạn, đánh học sinh, em ấy phản kháng lại, hỗn láo hơn, mình mất uy tín với học sinh hơn; thậm chí phụ huynh vào trường chửi mắng hay đánh, thầy cô sẽ bị kỷ luật… Cách thứ ba, thầy cô thử đứng ở vị trí học sinh, và hãy đặt ra câu hỏi như tại sao 3 ngày liên tục học sinh ấy chọc phá bạn bè, không tập trung trong giờ học?, rồi tự phỏng đoán câu trả lời: ba mẹ em ấy cãi nhau, đòi ly hôn; em bị ba mẹ đánh mắng; em chán học vì nhà nghèo khổ quá… Sau đó, thầy cô sẽ bình tĩnh và có cách xử lý tốt hơn. Ngoài ra, để tránh việc “dễ nổi nóng”, các thầy cô cần tập giảm căng thẳng, tập thư giãn hàng ngày như tập yoga, thiền, thể thao; nghe nhạc, xem phim, đọc sách theo sở thích của mình. Hoặc thầy cô giao tiếp với các “chỗ dựa tinh thần” của mình như ba mẹ, vợ/chồng, anh em, bạn bè cũng là cách “xả” hết sức hữu hiệu… Tóm lại, thầy cô đừng để nhiều “dồn nén”, nó sẽ dễ bộc phát mà không thể nào kiềm chế được.
Năm học mới, các thầy cô hãy tự tạo cho mình động lực mới, tinh thần mới, cảm xúc mới để có thể an vui trong trọng trách làm thầy.
Lê Phương Trí
(giáo viên tư vấn học đường)
Bình luận (0)