Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Tập lái máy bay trong môi trường ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Không quân Hoàng gia Anh (RAF) có kế hoạch đào tạo phi công trong môi trường ảo nhằm tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Theo Dailymail, chi phí đào tạo mỗi phi công có thể tốn hàng chục nghìn bảng Anh, với 70% quá trình huấn luyện diễn ra trên không.

Đến năm 2040, RAF muốn thời gian huấn luyện trên không chỉ chiếm 20%, 80% còn lại sẽ dành cho việc sử dụng thiết bị mô phỏng hoạt động bay.

Tập lái máy bay trong môi trường ảo - ảnh 1

Một phi công tham gia huấn luyện ảo. CHỤP MÀN HÌNH

Để giảm thời gian huấn luyện trên không và giảm lượng khí thải carbon, RAF chuyển sang sử dụng các hệ thống của công ty BAE Systems để chế tạo chương trình mô phỏng máy bay chiến đấu Typhoon, giúp phi công trải nghiệm cảm giác bay và thấy toàn cảnh buồng lái 360 độ.

Các phi công sẽ mặc bộ trang phục trọng lực (G-suit) trong lúc huấn luyện ảo. Theo Wisegeek, G-suit là loại quần áo được thiết kế đặc biệt cho các phi công máy bay chiến đấu và phi hành gia, tạo áp lực lên bụng và chân, ngăn máu chảy khỏi não trong quá trình máy bay tăng tốc. Vì thế, mặc trang phục này trong quá trình huấn luyện sẽ mô phỏng phản ứng của cơ thể khi bay lên cao.

Tập lái máy bay trong môi trường ảo - ảnh 2

Hệ thống mô phỏng trước đây. CHỤP MÀN HÌNH

Nhờ sử dụng công nghệ chiếu phía sau (back projection), hệ thống cho phép nhiều thiết bị cùng hoạt động nên một nhóm từ 4 – 6 phi công có thể cùng bay trong một cuộc xuất kích ảo.

Stuart Atha – giám đốc năng lực quốc phòng tại BAE Systems cho biết huấn luyện ảo có thể hiệu quả và phản ánh đúng thực tế chiến tranh hơn.

Trình mô phỏng sẽ giúp kết nối các phi công từ nhiều nơi trên thế giới và đưa ra nhiều kịch bản chiến đấu khác nhau. Hải quân và bộ binh cũng có thể sử dụng hệ thống để huấn luyện.

Tập lái máy bay trong môi trường ảo - ảnh 3

Chương trình huấn luyện mới sẽ giúp phi công nhìn toàn cảnh buồng lái 360 độ. CHỤP MÀN HÌNH

Hệ thống sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp, chuyển động của đồng tử để đánh giá hiệu suất và gửi kết quả về cho mỗi phi công.

Công ty BAE ước tính một nhiệm vụ huấn luyện ảo quy mô lớn gồm nhiều máy bay và phi công có thể ngăn ngừa thải ra 1.000 tấn CO2 so với huấn luyện trên không. Sẽ cần 1.225 cây để hấp thụ lượng carbon này.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng huấn luyện ảo không mang lại cảm giác hồi hộp như huấn luyện trên không. Tiến sĩ Sophy Antrobus tại Đại học Hoàng đế London (Anh) cho biết việc chuyển sang hướng huấn luyện 80 – 20 sẽ tạo ra sự thay đổi trong Không quân Hoàng gia Anh cũng như cách người ta nhìn nhận lực lượng này.

Theo Mai Anh/TNO

 

Bình luận (0)