Lúc đầu còn lạ lẫm đối với một vài khách hàng, nhưng hiện nay đã có nhiều người trở thành “mối ruột” của dịch vụ kinh doanh online, chuyển phát nhanh thông qua phần mềm máy tính hay một chiếc điện thoại cầm tay…
Một “shipper” đang giao hàng trước chung cư P.6, Q.Gò Vấp dịp Tết |
Mua riết thành ghiền chợ “ảo”
Mặc dù đã chuẩn bị chu đáo cho kỳ sinh nở đứa con trai đầu lòng nhưng trong thời gian nghỉ hộ sản, chị Lan Thanh – ngụ ở chung cư mới tại P.Phú Hữu, Q.9 cần mua sắm thêm những vật dụng khác cho em bé và người mẹ bỉm sữa. Thay vì đi ra các ki-ốt, tiệm tạp hóa hay vào siêu thị mua hàng, chị Thanh không còn nhiều quỹ thời gian như trước vì suốt ngày tay xách nách mang con mọn nên đành phải nhờ đến dịch vụ mua hàng qua online. “Lúc đầu tôi chỉ sắm thêm mấy thứ lặt vặt như tã, khăn, quần áo thêm cho cu Bơ nhưng dần dần phải đặt mua bổ sung những đồ dùng khác có giá trị cao hơn như kệ tủ để quần áo, máy vắt sữa, xe nôi đẩy…”. Mua hàng ship dần dần đã trở thành thói quen hàng tuần của người mẹ trẻ tuổi U30 nếu không nói là “nghiện”. Vì thế mấy ngày cận Tết các dịch vụ chuyển phát nhanh hàng hóa và chứng từ luôn tấp nập trước cổng chung cư để tìm gặp chị hoặc người trong nhà.
Cũng như ngày thường, hàng online vẫn chung thủy với các loại dụng cụ gia đình, đồ khô, quần áo, giày dép nhưng hiện đã có sự lấn lướt của các mặt hàng Tết như: bánh mứt, đồ đạc trang trí trong nhà, bông giả, giỏ quà Tết đặc biệt là đặc sản vùng miền như: miến dong Hà Nội, giò me Nghệ An, nem Lai Vung, bánh phồng Sơn Đốc, rượu vang Đà Lạt, khô cá Vũng Tàu… Đối với anh Thân – một nhân viên công ty xây dựng ở Q.12, mua hàng online qua mạng đã trở thành thói quen của dân văn phòng. Từ văn phòng phẩm đến các dụng cụ cung cấp văn phòng đều đi qua con đường “xách tay” bằng đội ngũ xe ôm ship hàng. Trong lúc nhiều người lo chuẩn bị tiền bạc, xe cộ để mất thời gian ra chợ truyền thống thì chàng trai gần 40 tuổi lại thong dong ngồi một chỗ mà vẫn đi chợ được thông qua máy vi tính đặt trong phòng làm việc. Khi mua một mặt hàng gì là chỉ cần một cú nhấp “chuột” lên mạng tra “ông” google để chọn đồ và định giá. Những món quà Tết chuẩn bị mua sắm cho gia đình và quà tặng người thân anh mua 2 năm nay đều có xuất xứ từ chợ online nhưng rất an tâm với khách hàng. Bởi vậy bây giờ dắt xe ra khỏi nhà để vào các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống mua đồ là điều khó khăn hơn đối với anh. “Có thể nói chưa bao giờ chợ online lại sôi động như hiện nay nhất là mỗi người đã có một chiếc điện thoại thông minh trên tay. Càng đến Tết nhu cầu mua sắm càng nhiều nên dịch vụ này theo tôi nghĩ chắc chắn đang ăn nên làm ra” – anh Thân quả quyết.
Nhọc nhằn cho kẻ bán người mua
Điều này cũng có cơ sở vì theo một nhân viên giao hàng ship, hầu hết vào “tháng củ mật” ai cũng làm hết công suất mà không bỏ hàng kịp. Có những chuyến hàng cuối cùng đến với khách khi ti-vi gia chủ đã hết chương trình thời sự Tết. Vì vậy dịch vụ chuyển phát nhanh các shop hàng phải tuyển thêm HS, SV, thanh niên “nông nhàn” để bổ sung vào lực lượng xe máy ship hàng theo thời vụ. Ai cũng biết, so với hình thức mua hàng truyền thống thì mua hàng qua mạng được bắt đầu bằng một thế giới ảo nhưng lại cho ra hàng thật. Vì không theo quy luật “tiền trao cháo múc” nên mua hàng qua mạng phải đi theo những “đường vòng bắt buộc” của CNTT mà khác biệt nhất là người mua ngồi một chỗ còn người bán đưa đồ đến tận tay sau khi đã có mã vận đơn. Hầu hết các khách hàng thường ở vùng xa trung tâm một chút do đi lại cách trở. Thuận lợi cho “thượng đế” nhưng vất vả cho các “thần dân” kinh doanh là điều có thật vì phải mất thêm các công đoạn như lên lịch biểu, gói đồ, chuyên chở, giao tận tay. Đã có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi các shipper là tài xế chở hàng không đạt được mục đích cuối cùng vì chủ nhà vắng mặt, khó tìm địa chỉ nhà, hàng bị lộn “sai” như đã thỏa thuận trước nên đành phải ra về và hẹn “si du ờ ghen” vào ngày mai dù phải quay ngược thêm cả chục cây số nữa. Nỗi chua xót này là những “quả đắng” mà cánh chở hàng ship phải nhận lấy nhưng đành “ngậm bồ hòn làm mật” vì kế mưu sinh của mình. Đó là lý do mà Thành – một shipper đã vội vã “ly hôn” với cái nghề chạy nhong nhong toát mồ hôi ngoài đường để đến bấm chuông từng nhà giao hàng mà mình gắn bó được 3 năm nay.
Đối với người mua, dù có nhiều tiện ích bán hàng qua mạng nhưng cũng chịu phiền phức nhất là gặp những shop hàng mất chữ tín làm ăn chụp giựt để nhận lấy những thứ đồ chưa xứng với đồng tiền bỏ ra. Thông thường các đặc sản mang danh thượng hạng của vùng miền hoặc do nhà tự làm nhưng đôi khi lại là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trà trộn vào nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu mua sắm cao, hàng khan hiếm dần là cơ hội cho hàng lậu, hàng giả có địa bàn thao túng hoạt động vì không có sự kiểm soát chặt chẽ và kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng. Cuối cùng người lãnh đủ về thiệt hại tài chính và sức khỏe không ai khác chính là người tiêu dùng thiếu kiến thức và kinh nghiệm mua hàng qua online rồi để mang bực bội và mất vui trong dịp mua sắm để đón xuân mới đang về.
Bài, ảnh: Phương Đăng
Bình luận (0)