Theo BS Đào Bá Vy, nguyên trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354, điều quan trọng nhất trong rèn luyện thân thể là việc duy trì chế độ tập luyện nhất quán.
Quan niệm mới
TS Phyllis Zee, chuyên khoa thần kinh học, thuộc Đại học Tây Bắc (Hoa Kỳ) đưa ra một ý kiến hoàn toàn trái ngược với quan niệm truyền thống.
Theo ông, thời gian lý tưởng nhất cho việc luyện tập là buổi chiều muộn, khoảng từ 4 – 6h. "Lý do là vì đây là thời gian sức mạnh cơ bắp đạt đỉnh cao nhất nên sẽ ít có nguy cơ bị tổn thương. Hơn nữa đây cũng là thời gian mà con người tỉnh táo và linh lợi nhất".
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nhịp sinh học của cơ thể cùng chung ý kiến với TS Zee. Họ cho rằng khả năng vận động của con người thay đổi trong một chu kỳ sinh học 24 giờ. Nhịp sinh học điều hòa nhiệt độ cơ thể – một yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả vận động tốt nhất. Theo đó, vào buổi chiều nhiệt độ cơ thể tăng hơn so với buổi sáng một hoặc hai độ, làm cho các cơ đàn hồi, mềm dẻo hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
Quan trọng nhất là luyện tập đều đặn
Theo BS Đào Bá Vy, nguyên trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354, đồng ý rằng luyện tập vào buổi chiều có thể là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ chấn thương và đạt hiệu quả vận động tối đa.
Nhưng theo ông, điều quan trọng nhất trong rèn luyện thân thể là việc duy trì chế độ tập luyện nhất quán. "Thời gian luyện tập tốt nhất là thời gian thích hợp nhất đối với bạn. Luyện tập thể dục, dù vào thời gian nào cũng không quan trọng bằng sự đều đặn. Nếu bạn có thể thức giấc để luyện tập vào buổi sáng, hay sắp xếp công việc vào buổi chiều thì hãy giữ đều đặn thời gian các buổi sáng hoặc các buổi chiều hàng ngày cùng giờ".
Hơn nữa, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Bắc Texas (Hoa Kỳ) cho rằng, mặc dù chu kỳ sinh học của cơ thể là bẩm sinh, nhưng chúng ta vẫn có thể "cài đặt" lại dựa vào quá trình thay đổi hành vi.
Nghiên cứu khẳng định những người quen tập thể dục vào buổi sáng đã "dạy" cho cơ thể họ biết thích nghi và sẵn sàng hoạt động vào thời gian đó. Nếu đột ngột chuyển sang luyện tập vào buổi tối, họ sẽ cảm thấy không được hiệu quả như buổi sáng. Do vậy, cố gắng gắn việc luyện tập vào lịch thời gian cố định là quan trọng nhất.
Thời gian nào tốt nhất cho bạn?
Những nghiên cứu mới nhất dưới đây sẽ cho bạn gợi ý để lựa chọn thời gian thích hợp nhất với mình:
– Sức bền, sức mạnh của cơ thể tốt nhất vào buổi chiều: Sức mạnh cơ thể cao hơn 5% vào khoảng giữa ngày. Các hoạt động thể thao mạnh sẽ tăng hiệu quả 5% và khả năng luyện tập aerobic (độ bền bỉ) tăng xấp xỉ 4% vào buổi chiều.
– Luyện tập buổi sáng nhất quán hơn: Buổi chiều là thời gian lý tưởng trên quan điểm sinh lý học, nhưng nghiên cứu cho thấy mọi người dễ ấn định và duy trì thời gian tập luyện vào buổi sáng hơn; Mà điều quan trọng nhất trong luyện tập là sự đều đặn.
– Bài tập tối và giấc ngủ: Nhiều người cho rằng luyện tập buổi tối giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, nhưng nếu tập quá khuya sẽ có tác dụng ngược lại. Thực tế, nghiên cứu khoa học đã chứng minh dù tập buổi sáng hay chiều đều có tác dụng tốt với giấc ngủ, và một bài tập lúc tối muộn trước khi đi ngủ 30 phút cũng không thể làm bạn mất ngủ.
– Với mức độ vận động thông thường thì người tập có thể chọn thời gian phù hợp tùy thuộc vào nhịp độ lao động, nhu cầu và thói quen sinh hoạt của mình. Với các bài tập nặng, có tính chất tăng cường chỉ nên thực hiện vào buổi chiều, 3 lần/tuần, vào khoảng 5 – 7h tối. Thời gian luyện tập tốt nhất nên bắt đầu sau bữa ăn trưa khoảng 4 giờ và kết thúc trước bữa ăn tối 1 giờ.
– Buổi sáng không khí trong lành, ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường, nên luyện tập ngoài trời rất được khuyến khích.
– Buổi tối sau khi tắt nắng 2 giờ, cây xanh bắt đầu hấp thu oxy và thải ra khí carbon, tuy không ảnh hưởng nhiều đến việc luyện tập nhưng vẫn nên chú ý tránh các vận động nặng, nhiều giờ.
(BS Nguyễn Văn Phú – trưởng khoa Y học Thể thao, Viện KH TDTT)
|
Theo Khoa học & Đời sống
Bình luận (0)